Đến cuối chiều nay đã có 328 trường hợp nôn ói, tiêu chảy, sốt… phải nhập viện thăm khám, điều trị vì ăn bánh mì B. Trong đó có 9 ca phải chuyển từ Long Khánh (Đồng Nai) lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Cuối chiều 2/5, liên quan đến vụ nôn ói, đau bụng sau khi ăn bánh mì B, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết đến hơn 15h cùng ngày đã có 328 ca bệnh phải vào viện thăm khám, điều trị.
Lãnh đạo thành phố Long Khánh đến thăm hỏi, động viên người dân đang điều trị tại Bệnh viện Long Khánh.
Trong đó, có 220 ca thăm khám điều trị ở Bệnh viện Long Khánh, 13 ca điều trị ở Bệnh viện Cao Su, 9 ca được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 11 ca xuất viện và cấp 88 toa thuốc…
Hiện tại, có hai ca có biểu hiện bệnh hơi nặng là một bé 7 tuổi (bị sốc nhiễm khuẩn) và một bé 6 tuổi, số còn lại sức khỏe ổn định, đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Cũng theo ông Lập, sáng 2/5 lãnh đạo thành phố Long Khánh đã đến bệnh viện ở địa phương để thăm hỏi các bệnh nhân, còn chiều nay khoảng 16h30 sẽ thăm hỏi bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Ngoài ra, đến chiều nay lực lượng chức năng địa phương cũng đã hoàn tất lấy mẫu chuyển lên TP.HCM để xét nghiệm. Riêng cơ sở đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động từ ngày 1/5, phối hợp cùng cơ quan chức năng tìm nguyên nhân.
Nhiều ca bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện, sức khỏe dần ổn định lại.
Ông Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, do bệnh nhân tăng nhanh dẫn đến quá tải nên bệnh viện đã phải mở thêm một đơn vị cấp cứu, điều trị ngộ độc với quy mô 70 giường. Khu vực này hiện đang tập trung điều trị cho các trường hợp nghi ngộ độc bánh mì vừa xảy ra trên địa bàn.
Ngoài ra, bệnh viện cũng huy động tất cả bác sĩ, điều dưỡng để phục vụ hỗ trợ điều trị các bệnh nhân.
Như tin đã đưa, trước đó vào ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 73 trường hợp đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì B. Những người này chủ yếu mua bánh mì từ giai đoạn chiều tới tối, sau khi ăn thì đến nửa đêm 30/4, rạng sáng 1/5 xuất hiện đau bụng, nôn ói… nên được đưa đến nhập viện bắt đầu từ sáng 1/5.
Nhận thông tin vụ việc, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế thành phố Long Khánh đã có mặt tại tiệm bánh mì B, kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra xác định tiệm bánh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì nhưng đều không khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào. Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã niêm phong tủ cấp đông và buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11h ngày 1/5.
Theo báo cáo của bà N.T.K.B, chủ cơ sở thì ngày 30/4, tiệm bán ra 1.100 ổ bánh (buổi sáng 500 ổ và chiều là 600 ổ).