Vắc xin chống ung thư của Nga đầy hứa hẹn, sắp thử nghiệm trên người

Vắc xin chống ung thư sắp thử nghiệm trên người của Nga là loại vắc xin điều trị, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng vắc xin chống ung thư của Nga cho thấy vắc xin ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn – Ảnh minh họa: MedTour

Ngày 15-12, Hãng tin Tass đăng tin: “Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X-quang trực thuộc Bộ Y tế Nga Andrei Kaprin vừa nói trên Đài phát thanh Radio Rossiya rằng Nga đã phát triển vắc xin mRNA chống ung thư của riêng mình và loại vắc xin này sẽ được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân.

Vắc xin chống ung thư này được phát triển với sự hợp tác của một số trung tâm nghiên cứu. Theo kế hoạch, vắc xin sẽ được đưa vào lưu hành rộng rãi đầu năm 2025”.

Trước đó hôm 10-11, trang Zpravda.ru dẫn lời bác sĩ Andrei Kaprin nói rằng các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật đã cho thấy hiệu quả của vắc xin chống ung thư. Vắc xin này theo kế hoạch được thử nghiệm trên người ở Nga vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

“Tuyên bố của bác sĩ trưởng khoa ung thư của đất nước mang lại hy vọng về bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư. Việc hoàn tất thành công các thử nghiệm lâm sàng có thể mở ra những cơ hội mới trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư” – trang Zpravda.ru viết.

Ngày 14-12, dẫn lại tuyên bố mới nhất của bác sĩ Kaprin, trang Rbc.ru viết: “Việc bắt đầu sử dụng vắc xin chống ung thư cho bệnh nhân được lên kế hoạch vào đầu năm 2025”.

Trong khi đó, ông Alexander Gintsburg – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya – thông tin các cuộc thử nghiệm vắc xin này trên động vật đã cho thấy vắc xin ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn.

Ông Gintsburg lưu ý đây là loại vắc xin điều trị, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Vắc xin được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA, vốn đã được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Ông Gintsburg nói vắc xin mới có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya cho biết các kế hoạch đang được triển khai để bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vắc xin này với các loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư phổi, thận và tụy. Các viện ung thư dự kiến sẽ tham gia vào việc thử nghiệm này.

Ông Gintsburg nói với Hãng tin Sputnik rằng vắc xin ung thư cũng sẽ được “cá nhân hóa”, nghĩa là vắc xin sẽ được sản xuất riêng cho từng bệnh nhân. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ phát triển vắc xin bằng cách phân tích các thông tin về khối u và tạo ra “bản thiết kế” cho vắc xin trong tương lai. Dựa trên điều này, các chuyên gia sẽ sản xuất vắc xin trong vòng 1 tuần.

Theo TTXVN, trước đó, hôm 12-10, ông Gintsburg đã cho biết vắc xin chống ung thư mới trước tiên được thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh nhân ung thư phổi ác tính và ung thư phổi tế bào nhỏ.

Việc lựa chọn bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, như ung thư tế bào nhỏ là một trong những bệnh ung thư ác tính phổ biến nhất, khiến khoảng 1,3 triệu người tử vong mỗi năm. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, khối u ác tính cũng dễ xử lý hơn, do chỉ ở bề ngoài.

Ba đơn vị phát triển loại vắc xin chống ung thư của Nga là Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya, Trung tâm Ung thư Blokhin, và Viện nghiên cứu Ung thư Hertsen. Dự án do nhà nước Nga tài trợ.

Một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Theo thống kê, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả Nga và trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính chỉ riêng năm 2022, đã có khoảng 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong do căn bệnh này.

(Theo Tuổi Trẻ)