Giá vàng tăng mạnh, ngân hàng nhà nước chính thức lên tiếng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, chênh lệch giá trong nước và thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp và đã có tờ trình sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Báo Đầu tư ngày 18/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Vàng vọt lên 120 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?” cùng nội dung như sau:
Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội, NHNN vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2025.
Về thị trường vàng, NHNN cho biết, nhờ loạt giải pháp được đưa ra, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp. Theo đó, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước quy đổi từ mức 25% tại thời điểm cao nhất (18 triệu đồng/lượng – PV) xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5-7%) cuối năm 2024.
Trong quý I/2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục trước đó, tăng từ mức 2.635 USD/oz (ngày 02/01/2025) lên mức cao nhất tại 3.047 USD/oz vào ngày 19/03/2025.
NHNN chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng là:
Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.
Thứ hai, nhiều Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.
Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng;…
Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới, từ mức 84,05 triệu đồng/lượng vào ngày đầu năm 2025, tăng lên quanh mức 100,4 triệu đồng/lượng ngày 19/3/2025.
NHNN cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%), đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 3~5%), nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
“Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp”, báo cáo do Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà ký khẳng định.
Mặc dù vậy, theo cập nhật của báo Đầu tư, tính đến ngày 17/4, khi giá vàng thế giới lên ở mức trên 3.330 USD/ounce, sức nóng của thị trường vàng thế giới đã khiến chênh lệch giá vàng lại doãng rộng. Theo đó, giá vàng trong nước lên tới 120 triệu đồng/lượng, tức cao hơn gần 10% so với giá vàng thế giới.
Về quản lý thị trường vàng, NHNN cho hay đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cùng ngày, báo Lao động cũng có bài đăng với thông tin: “Cập nhật giá vàng sáng 18.4: Có thể đột ngột sụt giảm”. Nội dung được báo đưa như sau:
Cập nhật giá vàng SJC
Tính đến 6h00, giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở ngưỡng 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 2,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 2,5 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 2,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 2,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở ngưỡng 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 2,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn 9999
Tính đến 6h00 hôm nay, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 114,5-117,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 4 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng nhẫn những phiên gần đây. Biểu đồ: Phan Anh
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 115-118 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 3 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.
Khi giá vàng thế giới biến động mạnh, khoảng cách giữa giá mua và giá bán trong nước đang bị nới rộng, cho thấy rủi ro rất rõ ràng. Nếu giá vàng quay đầu giảm, người mua sẽ đối diện với mức lỗ rất lớn. Nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người có tâm lý “lướt sóng”, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.
Giá vàng thế giới
Tính đến 22h00 ngày 17.4, giá vàng thế giới niêm yết ở ngưỡng 3.285,4 USD/ounce, giảm mạnh 42,7 USD.
Dự báo giá vàng
Theo Kitco, giá vàng sáng thứ Năm giảm sau khi chạm mức kỷ lục mới 3.371,9 USD/ounce (theo hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex) trong phiên giao dịch đêm. Tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường vẫn ở mức cao, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng.
Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu biến động trái chiều trong phiên đêm. Cổ phiếu châu Á phần lớn tăng, còn châu Âu chủ yếu giảm. Chỉ số chứng khoán Mỹ được dự báo mở cửa tăng nhẹ trong phiên giao dịch tại New York.
Giới đầu tư vẫn chưa hết bàn tán về bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell chiều thứ Tư tại Chicago. Trong bài phát biểu, ông có xu hướng “diều hâu” (tức thiên về thắt chặt chính sách), khi cảnh báo rằng các mức thuế thương mại có thể khiến lạm phát và thất nghiệp tăng cao.
Ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ “stagflation” (tức nền kinh tế tăng trưởng chậm trong khi lạm phát vẫn dai dẳng). Phát biểu này khiến thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm. Trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích ông Powell gay gắt, cho rằng bài phát biểu là một “mớ hỗn độn” và kêu gọi sa thải ông.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng họp chính sách tiền tệ. Như dự đoán, ECB đã tiếp tục giảm ba mức lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Năm. Lãi suất tiền gửi, tái cấp vốn chính và cho vay cận biên sẽ giảm xuống lần lượt là 2,25%, 2,40% và 2,65%.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá lên của hợp đồng vàng tháng 6 vẫn đang chiếm ưu thế trong ngắn hạn. Mục tiêu tiếp theo của phe mua là đóng cửa trên mức kháng cự mạnh tại 3.500 USD/ounce. Trong khi đó, mục tiêu của phe bán là kéo giá về dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở 3.200 USD/ounce.
Mức kháng cự đầu tiên là 3.371,9 USD/ounce, tiếp theo là 3.400 USD/ounce. Mức hỗ trợ đầu tiên là đáy qua đêm 3.325,5 USD/ounce, tiếp theo là 3.300 USD/ounce.
Về các thị trường bên ngoài, chỉ số đồng USD đang mạnh lên. Giá dầu thô kỳ hạn Nymex tăng nhẹ, hiện giao dịch quanh mức 63,25 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 4,31%.