Từ 1/6/2024: Người cho mượn, cho thuê bằng lái xe để ‘thế thân’ nộp phạt nguội sẽ bị thu hồi bằng lái

Nếu người vi phạm thuê/mượn GPLX của người khác để nộp cho CSGT và tiếp tục sử dụng GPLX của mình để tiếp tục tham gia lưu thông là không đúng với quy định của pháp luật. Người cho thuê/mượn GPLX cũng sẽ bị thu hồi bằng và có thể bị phạt.

Tràn lan cho “thuê” bằng lái để đối phó phạt nguội

Mạng xã hội và các diễn đàn ô tô thời gian qua liên tục lan truyền thông tin nhiều tài xế tìm cách đối phó phạt nguội bằng cách… thuê GPLX xe để đóng phạt.

Cụ thể, khi vi phạm luật giao thông đường bộ và bị CSGT gửi thông báo phạt nguội, tài xế đã lên mạng tìm hiểu để thuê người có bằng lái đi đóng phạt thay. Họ chỉ tốn khoản tiền nhất định mà vẫn giữ được bằng để tiếp tục sử dụng.

Nhiều hội nhóm cho thuê GPLX để tránh phạt nguội được lập ra trên MXH.

Ví dụ: Anh A. lái xe vi phạm tốc độ và bị phạt nguội, kèm theo quyết định xử phạt tước bằng lái 2 tháng. Anh B. có bằng lái nhưng không sử dụng hoặc ít lái xe.

Anh A. sẽ thuê bằng lái của anh B. trong 2 tháng với một chi phí nhất định. Sau đó, anh A. đi cùng anh B. đến trụ sở CSGT đóng phạt với lý do cho thuê xe, mượn xe lái rồi vi phạm. Như vậy, anh A. vẫn giữ được GPLX xe và tiếp tục sử dụng như chưa có chuyện gì xảy ra.

Từ đây, không ít hội nhóm cho thuê bằng lái đã xuất hiện, phục vụ nhu cầu của các chủ xe. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật.

Pháp luật hiện hành không nêu rõ khái niệm về phạt nguội, tuy nhiên tham chiếu các quy định liên quan, có thể hiểu phạt nguội là một hình thức xử lý vi phạm giao thông sau khi các phương tiện đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định.

Quy trình cho thuê GPLX được giải thích cặn kẽ.

Đồng thời, việc xác minh ai là người điều khiển phương tiện khi vi phạm dựa trên hình ảnh ghi được thông qua thiết bị ghi hình và việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu được từ hệ thống camera quan sát, nhận dạng với độ chính xác cao.

Đây chính là điểm khác nhau giữa phạt nguội và phạt trực tiếp. Nếu như phạt trực tiếp, lực lượng chức năng có thể phát hiện ra ai là người điều khiển phương tiện khi phát hiện xử lý trực tiếp.

Còn nếu là phạt nguội thì pháp luật hiện nay quy định trách nhiệm cho chủ phương tiện, nếu chủ phương tiện cho thuê, cho mượn mà người thuê mượn vi phạm giao thông thì chủ phương tiện phải chứng minh vấn đề thuê mượn này…

Đây cũng chính là khe hở phát sinh sự gian dối của chủ phương tiện khi thực tế không cho thuê, không cho mượn, chính bản thân mình là người điều khiển phương tiện nhưng lại nói dối là người khác để không bị áp dụng biện pháp tước GPLX xe trong một thời hạn…

Do đó, nếu người vi phạm thuê/mượn GPLX của người khác để nộp cho CSGT và tiếp tục sử dụng GPLX của mình để tiếp tục tham gia lưu thông là không đúng với quy định của pháp luật.

Hành vi thuê hoặc mượn GPLX xe (GPLX) của người khác được dùng chủ yếu để tránh phạt nguột.

Cho thuê/mượn bằng lái xe sẽ bị thu hồi bằng lái

Tính đến thời điểm hiện tại, chế tài xử lý hành vi cho thuê/mượn GPLX vẫn chưa được dự liệu trong văn bản quy phạm pháp luật, và do đó không có cơ chế xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, tại khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây quy định các trường hợp thu hồi bằng lái xe như sau:

Điều 33. Sử dụng và quản lý GPLX xe…

14. Các trường hợp thu hồi GPLX xe bao gồm:

a) Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX xe;

b) Người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX xe;

c) Để người khác sử dụng GPLX xe của mình;

Như vậy, trường hợp cá nhân có bằng lái xe mà để người khác thuê/mượn, sử dụng bằng lái xe của mình thì người cho mượn sẽ bị thu hồi bằng lái xe.

Lái xe thuê GPLX xe là hành vi gian lận, gian dối
Trước mắt để giải quyết những hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng cần phải yêu cầu chủ xe xuất trình giấy tờ cho thuê, cho mượn hoặc yêu cầu có mặt đối chất ba bên để xác định có xảy ra việc cho thuê/mượn phương tiện hay không.

Ngoài ra, Cơ quan chức năng cũng có quyền chất vấn người đứng ra nhận là tài xế về đặc điểm phương tiện, về địa điểm vi phạm, về cung đường để xác định người đó có thực sự là người điều khiển phương tiện hay không…

Nếu phát hiện có hành vi gian dối, lừa dối cơ quan chức năng có thể áp dụng các chế tài khác để xử lý đối với hành vi khai báo sai sự thật.

Trong trường hợp thuê GPLX xe như vậy mà có hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra sẽ rất rắc rối. Người cho thuê GPLX xe có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm giao thông đường bộ hoặc có thể bị xử lý hình sự về hành vi vu khống.

Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện chủ phương tiện chính là người điều khiển phương tiện nhưng đã gian dối trong quá trình thực hiện thủ tục nộp phạt thì có thể xử lý ở mức cao nhất của khung phạt, đây là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính.

Riêng hành vi khai báo sai sự thật với cơ quan chức năng bị phát hiện thì người vi phạm cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Theo Hạ Vũ (Phụ Nữ Số)