Liên quan đến vụ một người dân trúng vé số độc đắc 2 tỉ đồng nhưng không được trả thưởng, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật cho rằng cần đề cao vai trò khách hàng, đừng đi tìm những căn cứ có những ‘điểm mờ’ để không trả thưởng cho người mua.
Giám định chỉ để ‘tham khảo’ là không đúng bản chất
Sáng 29.11, trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Giám đốc Công ty luật Chính Nghĩa Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết điều kiện vé xổ số lĩnh thưởng là vé số phải còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời, không chắp vá, không tẩy xóa, không sửa chữa và còn trong thời hạn lĩnh thưởng theo quy định.
Trường hợp do các nguyên nhân khách quan, vé số trúng thưởng bị rách rời nhưng vẫn còn đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu, tính xác thực của tờ vé, vé không thuộc đối tượng nghi ngờ gian lận, vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng… thì công ty xổ số tổ chức thẩm tra xác minh và quyết định việc trả thưởng hay từ chối.
Thẩm quyền quyết định là chủ tịch, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty XSKT được quy định cụ thể tại thể lệ tham gia dự thưởng xổ số.
“Nói về tình, lý và đạo đức kinh doanh khi anh (Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết tỉnh Thừa Thiên – Huế, viết tắt là Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế – PV) đã công nhận vé số đó là thật, do chính anh phát hành ra và vé không thuộc đối tượng nghi ngờ gian lận, vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng thì nên trả thưởng cho khách hàng, để đảm bảo uy tín cho mình cũng như khuyến khích người mua”, luật sư Nhật nói.
Hy hữu: Khởi kiện vì trúng số độc đắc nhưng không được trả thưởng
Theo luật sư Nhật, khi tranh chấp thì bên nào cũng cho mình có lý, mình đúng. Nhưng trước hết, các bên có quyền thỏa thuận thương lượng với nhau để tìm ra giải pháp để hài hòa giữa 2 bên.
Nếu đưa tranh chấp ra tòa thì phải căn cứ vào luật, vào chứng cứ.
Chứng cứ ở đây thì bà N.T.N (53 tuổi, ở xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam, người trúng độc đắc 2 tỉ đồng nhưng không được nhận giải) có 2 vé số đều được công ty xác định là thật, do chính công ty phát hành.
Ngoài ra, kết quả giám định của công an về tờ vé số trúng thưởng đặc biệt cũng là chứng cứ quan trọng, là cơ sở vững chắc để cơ quan tố tụng xem xét, đưa ra phán quyết.
Đối với vụ việc này, khi các bên đã tranh chấp thì cần có một cơ quan phân xử (tòa án hoặc trọng tài thương mại).
“Lẽ ra, trong vụ việc này, phía công ty xổ số cần lắng nghe, nhìn nhận rằng bên cạnh quy định Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính thì cũng cần căn cứ vào giám định của công an, căn cứ vào sự thật là 2 vé số trúng thưởng đã có 1 vé trúng giải phụ dù bị co lại nhưng vẫn được công nhận thì cũng phải công nhận vé đặc biệt này cho khách hàng”, luật sư Nhật chia sẻ.
‘Bác’ tờ vé số trúng thưởng là không có tình
Theo quy chế trả thưởng của Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong trường hợp cần thiết công ty sẽ trưng cầu giám định của cơ quan công an trước khi trả thưởng. Phí giám định (nếu có) do người sở hữu vé trúng thưởng chi trả.
Qua vụ việc này, thực tế bà N.T.N đã trả tiền giám định tờ vé số này tại cơ quan công an theo hướng dẫn của Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế và có kết quả giám định là vé thật. Cho nên, việc công ty xổ số cho rằng kết quả giám định chỉ để “tham khảo” là không đúng bản chất, phủ nhận với chính quy chế trả thưởng của công ty ban hành.
Luật sư Nhật cũng cho rằng, khi khách hàng trúng 2 tờ nhưng chỉ công nhận tờ phụ còn tờ đặc biệt lại không trả thưởng, còn đi tìm lý do, cách hiểu từ ngữ trong văn bản pháp luật để “bác tờ vé số trúng thưởng”… thì thật sự không có tình chút nào”.