Khi lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở massage (xoa bóp), các nhân viên đều cho biết không rõ ai là người thực hiện thao tác vặn cổ cho ca sĩ Ping Chayada trước khi cô qua đời.
3 lần massage trước khi qua đời
Tại tang lễ của nữ ca sĩ Ping Chayada, bà Chantakarn – mẹ của cô – nghẹn ngào trong nỗi đau mất con gái, cũng là trụ cột kinh tế của gia đình. Bà vốn làm nghề massage nên trước đó Chayada từng nhờ mẹ giúp đỡ điều trị.
Tuy nhiên, do bà vừa trải qua một ca phẫu thuật, không thể tự thực hiện các động tác massage, nên Chayada đã quyết định tự tìm đến cơ sở massage bên ngoài.
Bà Chantakarn kể lại: “Trước khi mất, con gái tôi thường xuyên đau cổ, vai và gáy. Con nhờ tôi giúp nhưng tôi không thể làm vì sức khỏe chưa hồi phục. Sau khi đi massage, con nhắn tin cho tôi, nói rằng tay bị tê và yếu.
Ngay lập tức, tôi hỏi có phải nhân viên bẻ cổ con không, vì với kinh nghiệm làm nghề, tôi hiểu rõ những rủi ro từ thao tác này. Con trả lời rằng họ đã bẻ cổ, không chỉ một mà đến hai lần”.
Nói về việc vặn cổ, bà Chantakarn cho hay: “Tôi biết rõ những vùng nguy hiểm trên cơ thể. Nếu xương cổ bị lệch, hậu quả có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tôi mong chủ cơ sở massage và các nhân viên liên quan phải chịu trách nhiệm”.
Theo lời kể từ gia đình, trong 2 lần đầu đến cơ sở này, Chayada đã được cùng một nhân viên massage trong cùng một phòng. Sau lần đầu, cô không thể nằm ngửa nhưng chỉ nghĩ rằng đó là một phản ứng bình thường. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, cô tiếp tục bị bẻ cổ, dẫn đến các triệu chứng tê và yếu toàn thân.
Đến lần thứ ba, Ping quay lại cơ sở này nhưng được phục vụ bởi một nhân viên khác. Người này thực hiện thêm thao tác nắn chỉnh vùng dưới cánh tay. Sau buổi massage, tình trạng của cô trở nên trầm trọng hơn, xuất hiện tình trạng tê liệt ở cả tay và chân.
Gia đình lập tức đưa cô đến bệnh viện trung tâm, nhưng bác sĩ chỉ kê thuốc giảm đau và giãn cơ, sau đó cho về nhà. Gia đình tiết lộ bác sĩ còn nghi ngờ Chayada sử dụng ma túy vì hiện tượng run rẩy ở tay.
Tại bệnh viện huyện Phibun Rak (tỉnh Udon Thani), sau khi chụp X-quang, bác sĩ phát hiện xương cổ của Ping bị lệch. Cô được chuyển đến một bệnh viện khác để kiểm tra lại và kết quả tiếp tục khẳng định các đốt sống cổ đã bị lệch.
Sau đó, cô được chuyển trở lại bệnh viện trung tâm Udon Thani để điều trị. Dù vậy, tình trạng của Ping ngày càng xấu đi, khiến cô nằm liệt giường và qua đời vào sáng 8/12. Nguyên nhân được xác định là nhiễm trùng máu và phù não, các biến chứng có thể liên quan đến chuỗi liệu pháp massage trước đó.
Không rõ người thực hiện massage vặn cổ
Chiều 8/12, sau vụ việc nữ ca sĩ nhạc đồng quê Thái Lan Ping Chayada qua đời, một đoàn kiểm tra bao gồm đại diện y tế, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hội y học cổ truyền tỉnh Udon Thani đã tiến hành kiểm tra cơ sở massage cổ truyền nằm gần công viên Nong Prajak tại trung tâm thành phố Udon Thani.
Theo báo Khaosod, nhân viên tại cơ sở này cho biết từng có hai người thực hiện các kỹ thuật chỉnh cổ, nhưng một người đã nghỉ việc, còn người kia là nhân viên mới. Vì Ping Chayada không phải khách quen nên nhân viên không thể nhớ rõ ai là người phục vụ cô trong lần đầu đến đây.
Trong khi đó, nhân viên massage cuối cùng phục vụ nữ ca sĩ khẳng định không hề thực hiện thao tác bẻ cổ cho cô.
Qua kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở này chỉ có 2 nhân viên massage được cấp giấy phép, trong khi 5 người còn lại đang chờ xác minh về trình độ.
Bà Nitchapa (60 tuổi, quản lý) cho biết nơi đây đã hoạt động từ năm 2005 với đội ngũ nhân viên thường xuyên thay đổi. Bà khẳng định cơ sở không cung cấp dịch vụ bẻ cổ hay xoay cổ, vì các kỹ thuật này không chỉ nguy hiểm mà còn không nằm trong nội dung đào tạo chính thức.
“Chúng tôi luôn khuyên khách hàng nên tìm đến bác sĩ nếu có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dịch vụ massage tại đây chỉ hỗ trợ thư giãn nhẹ nhàng. Việc bẻ hay xoay cổ không được dạy và cũng không thực hiện tại cơ sở”, bà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Nitchapa cũng thừa nhận rằng: “Dù chúng tôi cố gắng đảm bảo an toàn, nhưng nếu khách hàng và nhân viên tự thỏa thuận riêng, chúng tôi không thể kiểm soát được hoàn toàn”.
Mối nguy từ động tác vặn cổ
Theo tờ Khaosod, Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Teerawat Hemachutha – cố vấn tại Trường Y học Cổ truyền phương Đông (Đại học Rangsit) – đã đăng bài viết trên trang cá nhân cảnh báo về việc bẻ và vặn cổ, nhấn mạnh nguy cơ đột quỵ và liệt nửa người nếu không cẩn thận.
Ông cho biết, các động tác này thường được thực hiện trong quá trình massage giảm đau, vật lý trị liệu hoặc chỉnh hình cột sống. Tuy nhiên, nếu làm không đúng cách, động tác vặn cổ có thể gây tổn thương thành mạch máu, đặc biệt là động mạch đốt sống sau. Kết quả có thể dẫn đến mạch máu bị rách, tắc nghẽn, thậm chí là liệt.
Giáo sư Teerawat dẫn lại nhiều báo cáo đã cho thấy các trường hợp tương tự trong hơn 20 năm qua. Tại Mỹ, trong khảo sát từ các bác sĩ chuyên về thần kinh, có 55 bệnh nhân bị đột quỵ hoặc liệt nửa người trong vòng 24 giờ sau khi trải qua liệu pháp bẻ và chỉnh cổ.
Việc xoay, vặn, hoặc bẻ cổ mạnh có thể gây ra rách thành động mạch, lắng đọng cục máu đông và có nguy cơ cho những người có bệnh nền, như huyết áp cao, béo phì, mỡ máu, hoặc những người có bất thường bẩm sinh ở mạch máu.
Giáo sư Teerawat cũng chia sẻ một trường hợp mà ông từng gặp là một bệnh nhân có thói quen xoay cổ 90 lần mỗi ngày để rèn luyện cơ cổ. Tuy nhiên, người này đột ngột bị liệt nửa người trong một lần quay cổ để gọi taxi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện thành mạch máu của người này đã bị rách.
Tiến sĩ Teerawat khuyến nghị phương pháp giảm mỏi cổ đơn giản và an toàn là giữ cổ và đầu thẳng, sau đó di chuyển đầu nhẹ nhàng theo bốn hướng trên, dưới, trái, phải và chỉ nên lặp lại 10-20 lần mỗi ngày. Theo ông, phương pháp này giúp điều chỉnh cột sống, giảm áp lực lên dây thần kinh và tăng cường cơ cổ.