Rắc rối từ tờ vé số độc đắc 2 tỷ đồng bị rách vì mưa

Theo tôi, bản chất giao dịch giữa bà Hoa và công ty xổ số không phải là tờ vé số mà là ‘dãy số’.

Sự việc về chiếc vé số trúng thưởng giải độc đắc 2 tỷ đồng đài Thừa Thiên – Huế những ngày qua được nhiều độc giả quan tâm và theo dõi. Bà Hoa (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam), 53 tuổi, vào chiều ngày 13/10 mua vé xổ số của Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Thừa Thiên – Huế.

Thật may mắn tờ vé số mà bà Hoa mua chứa con số may mắn trúng giải thưởng trị giá 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quá trình bảo quản gặp mưa lớn đã làm tờ vé số bị thấm nước và làm tờ vé số bị hư hại.

Bà đã mang vé số đến Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Thừa Thiên – Huế để nhận thưởng và được công ty yêu cầu mang tờ vé số đó đi giám định. Sau khi đã giám định tại Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, công ty không cho bà biết nội dung kết quả giám định và không đồng ý trao thưởng 2 tỷ đồng.

“Công ty đưa ra lý do vé số đã bị co lại, biến dạng một phần và rách rời góc bên phải dưới dãy số, mất chân chữ số hàng đơn vị (phần rách rời đã không còn), không đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu, vị trí rách rời ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng”, bà Hoa nói.

Ngoài lý do trên, công ty viện dẫn khoản 1, Điều 31 Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính về việc “vé xổ số lĩnh thưởng phải còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời”. Trên góc độ pháp lý của luật Dân sự, bà Hoa và Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Thừa Thiên – Huế đã giao kết hợp một hợp đồng.

Ý chí của công ty xổ số là bán tờ vé số đó đến người mua nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Còn, bà Hoa mua tờ vé số với mong muốn với tất cả sự may mắn của mình sẽ nhận được giải thưởng với hình thức “quay số” từ công ty xổ số. Bản chất, nội dung của giao dịch giữa bà Hoa và công ty xổ số không phải là tờ vé số mà là “dãy số” được ghi nhận tại tờ vé số đã được bà Hoa mua.

“Dãy số” đó là độc nhất tại một thời gian nhất định được công ty xổ số phát hành và “dãy số” là điều kiện bắt buộc để người chơi có thể nhận thưởng. Tờ vé số là minh chứng cho giao dịch giữa bà Hoa và công ty xổ số.

Quy định tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 75/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính đặt ra nhằm mục đích gì? Tại khoản 1 Điều 31 của Thông tư đặt ra “Điều kiện vé xổ số lĩnh thưởng phải còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời, không chắp vá, không tẩy xóa, không sửa chữa và còn trong thời hạn lĩnh thưởng theo quy định”.

Tuy nhiên không dừng lại ở đó, Thông tư tiếp tục hướng dẫn:

“Trường hợp do các nguyên nhân khách quan, vé xổ số trúng thưởng bị rách rời nhưng vẫn còn đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu, tính xác thực của tờ vé, vé không thuộc đối tượng nghi ngờ gian lận, vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng thì công ty xổ số kiến thiết tổ chức thẩm tra xác minh và quyết định việc trả thưởng hay từ chối trả thưởng cho khách hàng.

Thẩm quyền quyết định là Chủ tịch, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty xổ số kiến thiết được quy định cụ thể tại Thể lệ tham gia dự thưởng xổ số quy định tại Điều 8 Thông tư này”.

Như vậy, Thông tư 75/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính đã lường trước được trên thực tế sẽ có những tình huống cá biệt xảy ra. Những tình huống đó là tình huống tờ vé số đó có thể có những lỗi vì những nguyên nhân khách quan, bảo vệ cho sự ngay tình từ người trúng thưởng.

Những nguyên nhân khách quan ở đây cần được hiểu là tất cả các trường hợp không phải là nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là việc người mua vé nhận thức được hậu quả tờ vé số sẽ bị hủy hoại đến mức không thể nhận biết được dãy số (bằng chữ và hình) bằng hành vi của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc việc người mua vé nhận thức được hậu quả tờ vé số sẽ bị hủy hoại đến mức không thể nhận biết được dãy số (bằng chữ và hình) tuy không mong muốn tờ vé số đó bị hủy hoại nhưng bỏ mặc hậu đó xảy ra.

Bà Hoa với ý thức mua “dãy số” để tìm kiếm cơ hội trúng thưởng trong tương lai và bảo quản tại túi áo kẹp cùng các tờ tiền. Ông cha ta thường có câu “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, với hành vi bà Hoa bảo quản tờ vé số cùng với những tờ tiền của mình và bỏ vào túi áo như vật bất ly thân cần được hiểu bà có ý thức bảo vệ tránh rủi ro cao độ đối với việc hư hại và không mong muốn hậu quả tờ vé số bị hư hại sẽ xảy ra.

Nếu kết quả giám định của cơ quan chức năng chứng minh được tờ vé số của bà Hoa không tẩy xóa, làm giả… nếu có thể nhận biết được giá trị của dãy số thì cần công nhận “dãy số” đó và xem tờ vé số là chứng cứ chứng minh cho hợp đồng đã được bà Hoa và công ty xổ số đã giao kết.

Tuy nhiên, dù không mong muốn làm tờ vé số hư hại nhưng những chi phí giám định, án phí tại Tòa án bà Hoa nên chịu trách nhiệm chi trả. Như vậy, theo tôi với căn cứ pháp lý nêu trên, bà Hoa có những căn cứ “hợp lý” để yêu cầu Công ty TNHH Xổ số Thừa Thiên – Huế trả thưởng.