Nhà đầu tư ồ ạt mua gom khi giá vàng giảm xuống

Giá vàng thế giới đang hồi phục sau một số phiên lao dốc. Nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào khi giá kim loại quý đẩy xuống.

Giá vàng thế giới nhận hỗ trợ trước đà mua gom của nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Phan Anh

Theo Kitco – Nhà đầu tư bắt đầu hiểu được xu hướng tăng trên thị trường vàng, thúc đẩy họ mua vào khi giá giảm.

Mặc dù vàng kết thúc tuần ở mức thấp hơn ngưỡng kỷ lục của thứ Tư, nhưng kim loại quý này đã phục hồi sau đợt bán tháo mạnh. Tuần qua giá vàng duy trì mức hỗ trợ vững chắc trên 2.700 USD/ounce.

Vàng cũng đang củng cố ở mức tương đối trung lập. Giá vàng tương lai tháng 12 được giao dịch lần cuối ở mức 2.747,5 USD/ounce, tăng 0,6% so với mức đóng cửa kỷ lục của thứ Sáu tuần trước.

Ghi nhận lúc 3h55 ngày 26.10.2024 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.746,8 USD/ounce.

Ole Hansen – Trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, diễn biến của vàng trong tuần này phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng trước thềm bầu cử Mỹ, hiện chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa. Ông lưu ý rằng, bất kể kết quả bầu cử như thế nào, nợ của Mỹ dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng.

Trong khi giá vàng có thể sẽ điều chỉnh vào tuần tới vì dữ liệu việc làm quan trọng được công bố, Hansen lưu ý rằng mức điều chỉnh trong năm nay vẫn chưa đáng kể.

Trong khi đó James Stanley – Chiến lược gia cấp cao tại Forex.com – cho biết ông kỳ vọng đợt thoái lui nhẹ của vàng sẽ tiếp tục là chủ đề thường trực trên thị trường.

Ông nói rằng nền kinh tế phục hồi không biện minh cho việc nới lỏng mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ông lưu ý rằng thị trường hiện đang định giá mức cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng tới, tiếp theo là một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 12. Thị trường đang định giá mức nới lỏng hơn 100 điểm cơ bản cho đến năm 2025.

Stanley giải thích rằng FED đã đưa ra tín hiệu nới lỏng mạnh mẽ ngay cả khi lạm phát vẫn liên tục ở mức cao.

Nhưng không chỉ có vàng, Stanley lưu ý rằng đợt tăng giá của bạc, với giá đóng cửa tuần ở mức cao mới trong 12 năm, phản ánh sức mạnh rộng rãi trong lĩnh vực kim loại quý.

Trong khi vàng vẫn trong xu hướng tăng cơ bản, các nhà phân tích dự kiến ​​sẽ có một số biến động trong tuần tới vì có nhiều sự kiện kinh tế quan trọng. Điểm nổi bật của tuần sẽ là dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến công bố vào thứ Sáu.

Một số nhà kinh tế cho rằng dấu hiệu suy yếu trên thị trường lao động có thể hỗ trợ thêm cho chu kỳ nới lỏng của FED.

Jonas Goltermann – Phó Giám đốc kinh tế thị trường tại Capital Economics cho biết: “Chúng tôi cho rằng dữ liệu thị trường lao động Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai cơn bão lớn tấn công nước này vào đầu mùa thu, làm nhiễu tín hiệu từ báo cáo tháng 10.

Chúng tôi kỳ vọng mức tăng 100.000 trong bảng lương phi nông nghiệp – mức thấp nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cho rằng xu hướng cơ bản là nới lỏng dần các điều kiện của thị trường lao động, phù hợp với một cuộc hạ cánh mềm”.

Nhiệm vụ kép của FED sẽ trở thành tâm điểm chú ý vào tuần tới khi thị trường đang dự đoán dữ liệu lạm phát quan trọng với việc công bố chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) – thước đo lạm phát được ngân hàng trung ương ưa chuộng.

Một số nhà phân tích hàng hóa cho rằng môi trường lý tưởng cho vàng vào tuần tới sẽ liên quan đến dữ liệu thị trường lao động yếu cùng với số liệu lạm phát cao dai dẳng.