Một vụ lừa đảo khó tin vừa bị phát hiện, trong đó một người đàn ông ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã dùng hẳn 4.600 chiếc điện thoại nhằm tạo ra số lượt xem ảo cho các buổi livestream của mình, từ đó anh ta kiếm được hơn 10 tỷ đồng.
Báo Tiền Phong đưa tin “Một TikToker bị bắt vì dùng 4.600 chiếc điện thoại để tạo lượt xem livestream ảo” với nội dung như sau:
Một vụ lừa đảo khó tin vừa bị phát hiện, trong đó một người đàn ông ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã dùng hẳn 4.600 chiếc điện thoại nhằm tạo ra số lượt xem ảo cho các buổi livestream của mình, từ đó anh ta kiếm được hơn 10 tỷ đồng.
Gần đây ngày càng có nhiều người làm công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, vì họ không chỉ có danh tiếng mà còn kiếm được khá nhiều tiền nữa.
Một người sáng tạo nội dung có thể bắt đầu được các nền tảng mạng xã hội trả tiền khi kênh của người đó đạt được số người đăng ký và số giờ xem nhất định.
Và vì vậy mà một người ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã dùng hàng ngàn chiếc điện thoại để tạo ra số lượt xem ảo cho những lần livestream của anh ta. Bằng cách này, anh ta đã kiếm được 3 triệu tệ (10,5 tỷ đồng) trong chưa đầy 4 tháng.
Khi nghề sáng tạo nội dung có vẻ kiếm được nhiều tiền thì có người bắt đầu tìm cách gian lận. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Theo trang SCMP , người này họ Wang (Vương), từ năm 2022 đã được một người bạn giới thiệu cho cách làm phi pháp này. Wang mua 4.600 chiếc điện thoại di động, được kiểm soát bằng một phần mềm chuyên dụng. Ngoài ra, anh ta mua một số thiết bị mạng nữa. Thế rồi chỉ bằng vài cú click chuột, Wang có thể đồng thời điều khiển tất cả số điện thoại đó, làm tăng lượt xem và lượt tương tác cho kênh của anh ta trong 4 tháng liền.
Nền tảng chính mà Wang hoạt động là TikTok, theo trang Tin tức Buổi tối Ninh Ba .
Wang mua hàng nghìn chiếc điện thoại cũ. Ảnh: Sở Cảnh sát Ninh Ba.
Việc Wang kiếm tiền nhanh như vậy tất nhiên khó tránh gây nghi ngờ. Nên vừa rồi, Wang đã bị bắt, bị kết án 1 năm 3 tháng tù và phải nộp phạt 50.000 tệ (176 triệu đồng) vì tham gia vào “hoạt động thương mại bất hợp pháp”.
Wang khai rằng, chi phí cho việc dùng mỗi chiếc điện thoại chỉ là 6,65 tệ/ngày (23.000 đồng), còn tổng chi phí dịch vụ thì phụ thuộc vào thời gian mà mỗi chiếc điện thoại kết nối với buổi phát livestream . Hiện Wang và 17 người khác còn đang bị điều tra về tội vi phạm các quy định quốc gia, làm rối loạn trật tự thị trường.
Wang đã bị bắt vì hành vi phạm pháp. Ảnh: Sở Cảnh sát Ninh Ba.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Chiết Giang – được coi là một trung tâm của ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc – phạt một người vì tội lừa đảo trong ngành này.
Ngày 6/12/2024 báo điện tử VOV cũng đưa thông tin “Khởi tố Tiktoker Mr Pips về hành vi lừa đảo đầu tư tài chính”, cụ thể như sau:
Ngày 6/12, VKSND TP Hà Nội đang phối hợp với Công an TP Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Hiện, tổng số tài sản lực lượng chức năng thu giữ và phong tỏa của các đối tượng khoảng hơn 5.000 tỉ đồng.
Theo đó, lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (tức Tiktoker Mr Pips; SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và 24 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 174, Điều 390 và Điều 324 Bộ luật Hình sự.
Tiktoker Mr Pips (Phó Đức Nam) nổi tiếng bởi những video đăng tải cuộc sống xa hoa và dạy cách kiếm tiền, với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên Tiktok và Youtube.
Theo tài liệu điều tra, tháng 6/2019, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.
Để dẫn dụ người dân nhằm lừa đảo, các đối tượng núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực Tele Maketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), Tele Sale (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán (đầu tư vào các mã chứng khoán của các thương hiệu, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trên sàn chứng khoán quốc tế, với những mã cổ phiếu như: Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas), để dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.
Đồng thời, các đối tượng lập trang wed “artexvina.co” tuyển dụng nhân viên, xây dựng hình ảnh công ty hoạt động bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế. Sau đó, Nam và Ngọ sử dụng đội ngũ nhân viên để tiếp cận, tư vấn, chào mời khách hàng tham gia đầu tư. Đồng thời, nhóm bị can này đã lập các chi nhánh trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Campuchia.
Cơ quan tố tụng xác định, Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty “ma”, ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng, hướng dẫn các bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản (thua hết tiền). Khi các bị hại đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn; cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ đã tổ chức, thành lập nhiều bộ phận khác nhau (bộ phận IT, bộ phận Support, bộ phận hành chính, bộ phận an ninh…) và đào tạo bài bản trong hệ thống.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong toả tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5000 tỉ đồng, gồm: 127 tỉ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỉ đồng, 216 kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ô tô các loại, phong toả 9 tỉ đồng trái phiếu và nhiều tài sản có giá trị khác.