Lương tối thiểu của công chức ‘là bao nhiêu

Bộ Nội vụ cho biết khi cải cách tiền lương sẽ đảm bảo công chức có mức lương thấp nhất không thấp hơn 5 triệu đồng để họ “có thể sống được bằng lương”.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến Thủ tướng trước khi báo cáo Bộ Chính trị xem xét.

Các vấn đề xin ý kiến Thủ tướng gồm việc thống nhất 5 thang bảng lương, 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý, chế độ tiền thưởng của lực lượng vũ trang. Bộ Nội vụ cũng xin ý kiến về việc bảo lưu tiền lương, thu nhập với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp mà “lương mới thấp hơn lương cũ”.

Bộ cũng xin ý kiến việc thực hiện chế độ trợ cấp với cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (4.960.000 đồng). “Chúng tôi đang xây dựng mức lương thấp nhất là trên 5 triệu đồng”, ông Minh nói, cho biết Bộ đã xây dựng mức khoán bằng một số tiền cụ thể với nhóm người hoạt động không chuyên trách (như bảo vệ tổ dân phố).

Để đảm bảo nguồn tiền cải cách tiền lương, các đơn vị đang kiên trì phương châm sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, tinh giản biên chế.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, chiều 4/5. Ảnh: Phạm Dự

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, chiều 4/5. Ảnh: Phạm Dự

Đánh giá khối công việc “rất lớn, đồ sộ”, ông Minh cho biết các bộ ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chỉ 6 đơn vị chưa xong, là Bộ Ngoại giao, Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM và Thừa Thiên Huế.

“Với tiến độ này, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị thì vị trí việc làm cũng xây dựng xong. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các đơn vị để cùng xây dựng chế độ tiền lương mới của cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ”, ông Minh thông tin.

Theo ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nghị quyết về chế độ tiền lương mới với cán bộ công chức, viên chức các cơ quan thuộc Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, huyện, Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán Nhà nước. Ban Bí thư có quyết định về chế độ tiền lương mới với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Trước đó, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7. Ông yêu cầu không tăng giá đột ngột, tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, đặc biệt là “không tăng giá vào thời điểm tăng lương”.

Hiện, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức. Từ ngày 1/7, công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,8 triệu đồng/tháng.

Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương), mức lương cao nhất 7,3 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu đồng/tháng; thấp nhất 2,4 triệu đồng.

Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).

Chính phủ đã trích lập được nguồn 560.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ cải cách tiền lương đến năm 2026.