Năm 2023, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.770 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD). Với con số lỗ này, nhiều khả năng giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.
Lỗ lũy kế gần 42.000 tỉ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 vừa được EVN công bố, doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong năm 2023 đạt hơn 500.700 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ bán điện đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất. Đáng lưu ý, báo cáo cho thấy số lỗ ròng tăng mạnh, lên 26.772 tỉ đồng, tăng đến 29% so với mức lỗ 20.747 tỉ đồng năm 2022; lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỉ đồng, tăng 20%.
Tuy nhiên, những con số trên không đủ bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý. Cụ thể, khoản lỗ của tập đoàn đến từ việc doanh nghiệp (DN) phải kinh doanh sát giá vốn, với nhiều khoản chi phí lớn như trả lãi vay gần 19.000 tỉ đồng (cao hơn lợi nhuận gộp của cả năm gần 6.000 tỉ đồng), chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2022. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, EVN phải trả hơn 52 tỉ đồng tiền lãi vay. Đó là chưa tính chi phí quản lý DN trong năm chiếm 14.800 tỉ đồng, chi phí bán hàng 6.601 tỉ đồng… Tính lũy kế 2 năm 2022 và 2023, EVN lỗ lên đến 41.824 tỉ đồng.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2023 của EVN vào đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết: Toàn bộ chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn là 2.092,78 đồng/kWh, giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh.
Chi phí tăng, gánh nặng lỗ lớn, nhu cầu đầu tư tăng cao và quyền điều chỉnh giá được nới rộng khiến khả năng tăng giá điện là rất lớn. EVNSPC
“Tỷ trọng chi phí mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, điều này hết sức bất bình thường”, ông Tuấn nhấn mạnh và thông tin thêm: Tại các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát dao động 40 – 50%, còn lại là các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở VN lại chiếm tới 80%, thế nên ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động. EVN đã và đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết, cố gắng thì “đây như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết”. Lãnh đạo EVN khẳng định cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện trong năm nay nhằm giải quyết những khó khăn tài chính của tập đoàn.
Đáng lưu ý, năm 2023, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng 2 lần với tổng mức tăng 7,5%, tương đương tăng hơn 142,35 đồng/kWh từ mức 1.920,3 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).
Hiện tại, theo Quyết định 05/2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ ngày 15.5, EVN có quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện mỗi 3 tháng/lần khi giá đầu vào tăng từ 3% đến dưới 5%. Vậy sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất với kết quả lỗ chồng lỗ lớn như vậy, EVN sẽ sớm tăng giá điện?
Trả lời Thanh Niên, chiều 11.7, đại diện EVN cho rằng hầu như năm nào trong 6 tháng đầu năm, số lỗ vẫn cao hơn nhiều do là mùa khô, chạy nhiệt điện nhiều, sản lượng thủy điện ít nên giá thành cao hơn. Sang 6 tháng cuối năm là mùa mưa, chạy thủy điện nhiều hơn nên giá thành sẽ giảm xuống. Năm nào không có lũ, ít mưa là coi như giá thành sẽ bị tăng tiếp. Năm nay, 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy điện toàn hệ thống tiếp tục giảm mạnh, xấp xỉ 24%, thế nên tập đoàn phải huy động tối đa các nguồn điện có giá thành cao hơn để bù vào. Trong thời gian này, ngành tập trung lo cấp điện và thi công đường dây 500 kV mạch 3, tập trung toàn lực tinh nhuệ về công trường…
Về việc tăng giá điện bình quân trong thời gian tới, vị này cho hay, theo Quyết định 05/2024 của Thủ tướng quy định, EVN có quyền điều chỉnh tăng/giảm giá điện khi giá đầu vào biến động tăng từ 3 – 5% và giảm 1%. Tuy vậy, câu trả lời khi nào tăng giá điện, đại diện EVN vẫn còn bỏ ngỏ.
Sớm có lộ trình đưa giá điện theo thị trường
Trước đó, báo cáo về ngành điện của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, chi phí sản xuất và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, chi phí sản xuất điện của các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, sản lượng thủy điện toàn hệ thống giảm 24% còn 19,1 tỉ kWh, đẩy áp lực lỗ cho EVN tăng. Các chuyên gia trong VDSC cho rằng EVN sẽ có thể điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 – 2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) mới hòa vốn được.
Tình cảnh của ngành điện hiện nay là chi phí tăng, gánh lỗ lớn và kéo dài trong khi nhu cầu đầu tư tăng cao… Vì thế, theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), giá điện có thể được lựa chọn để tăng sớm nhất trong rổ giá các loại giá dịch vụ như y tế, giáo dục…
“Với mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm nay là tăng trưởng ở mức cao nhất và lạm phát ở mức thấp nhất, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát đã tăng 4,08%. Việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất là rất khó do giá cả hàng hóa vẫn đang tiềm ẩn tăng. Thế nên, theo tôi, giá điện cứ theo quy định mà áp dụng. Bởi nếu duy trì tình trạng mua cao, bán thấp, giá điện không phản ánh kịp thời, khiến DN lỗ triền miên sẽ như chiếc lò xo nén. Khi chịu không nổi, mức tăng sẽ cao hơn. Kết quả báo cáo tài chính của ngành điện cũng đã được kiểm toán, nên không thể yêu cầu ngành tiếp tục báo cáo gì thêm nữa. Vấn đề lúc này là biên độ tăng giá điện nên bao nhiêu phần trăm là thích hợp?”, ông Long phân tích.
TS Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng khoa học – Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng để việc tăng giá thuyết phục lòng dân, EVN cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi, giá điện mua vào từng loại hình phát điện và giá bán ra cho từng đối tượng sử dụng điện. Qua đó, người tiêu dùng sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao cần phải điều chỉnh giá điện. Bên cạnh đó, luật Điện lực cần sớm sửa đổi để đưa giá điện sát thị trường và xóa bù chéo. Ngoài ra, nên thống nhất giá điện theo giá thị trường. Bởi việc mua điện theo cơ chế thị trường nhưng giá bán điện theo quy định của Chính phủ khiến EVN ngoài việc không thu hồi đủ vốn để tái sản xuất, luôn rơi vào tình cảnh thua lỗ. Điều này gây khó để thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nguồn và lưới điện. “Dứt khoát phải sớm nghiên cứu có lộ trình tiến tới giá bán điện theo cơ chế thị trường”, TS Hoạch nhấn mạnh.
Ngành điện có thể chờ xem kết quả lạm phát hết tháng 7, tháng đầu tiên lương cơ bản tăng, rồi có quyết định. Nếu tăng chậm, sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa bị biến động, tăng sốc cuối năm theo giá điện. Thế nên, có thể giá điện sẽ được tăng sớm với kỳ vọng mức tăng thấp nhất có thể.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long
Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/lo-lon-dien-truoc-ap-luc-tang-gia-185240711231409701.htm