Nhiều độc giả bức xúc khi biến động giá vé máy bay đang tác động nghiêm trọng, khiến ngành du lịch Việt Nam thua thiệt ngay trên sân nhà so với du lịch các nước khác.
Tuần vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra việc vé máy bay tăng cao thời gian qua, đặc biệt dịp Tết và nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Theo đó, số liệu do Cục Hàng không công bố cho thấy giá vé trung bình của các hãng hàng không đều tăng từ 10% trở lên.
Ví dụ chặng bay Hà Nội đi TPHCM, giá vé bình quân của Vietnam Airlines là khoảng 2,64 triệu đồng/lượt, hãng thu về khoảng 2,32 triệu đồng, con số tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá vé trung bình của Bamboo Airways tăng 11%, 2 triệu đồng một chiều còn mức tăng của Vietjet là khoảng 1,74 triệu đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của vấn đề được cho xuất phát từ chi phí đầu vào của ngành hàng không, khi hai cấu phần quan trọng nhất là chi phí tàu bay và chi phí xăng dầu, giá thuê ướt tàu bay (thuê máy bay kèm người lái, tiếp viên, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm…) đã tăng từ khoảng 2.400 USD/giờ lên gần 4.000 USD/giờ ở năm nay. Con số được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng; giá xăng dầu cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20-30% tùy thời điểm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong khi đó ở các hãng hàng không Việt Nam, hai khoản này đã chiếm gần 60% giá thành.
Giá vé của các hãng hàng không Việt Nam tăng phi mã thời gian qua (Ảnh: Tiến Tuấn).
Dẫu vậy, nhiều người vẫn cho rằng những nguyên nhân trên là không thuyết phục và lên tiếng yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào cuộc nhằm bình ổn giá vé ngành hàng không. Độc giả Minh Hai Nguyen bức xúc đặt câu hỏi: “Tất cả đều có lý do rất tốt để tăng giá. Cho hỏi trước khi chưa được duyệt nghỉ lễ 5 ngày, vé bay rất rẻ. Nhưng đùng cái có lệnh duyệt thì giá vé lại tăng phi mã. Vậy căn cứ nào để các hãng bay tăng giá cao chỉ sau 1 đêm?”.
Tương tự, độc giả Đặng Văn Hải viết: “Vé máy bay tăng đều có lý do “khách quan, hợp lý”, và người tiêu dùng cứ phải chịu đựng cho điều “hợp lý” đó trong khi chẳng ai chịu trách nhiệm cho việc người dân muốn đi từ Hà Nội vào TPHCM thì chịu giá vé cắt cổ và thậm chí chấp nhận bay vòng qua Bangkok (Thái Lan) để được hưởng mức giá rẻ hơn bay thẳng”.
Từ bất cập trên, người này gợi ý về việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM là khoảng 8 – 9 giờ. Phương án này sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn với mức giá rẻ hơn để di chuyển, đồng thời hạn chế sự “độc quyền” trong việc vận chuyển của ngành hàng không.
“Cái gì cũng có lý do, vậy nhờ các vị giải thích giúp tôi vì sao bay sang Đông Nam Á hoặc một số nước châu Á, cùng thời gian bay nhưng giá lại rẻ hơn, thậm chí rẻ hơn rất nhiều so với bay nội địa? Đối với người tiêu dùng, tốt nhất nếu không vì nhu cầu quá cần thiết (VD: du lịch, thăm hỏi…) thì không sử dụng máy bay nữa, cầu giảm tất nhiên giá sẽ giảm”, anh Hùng Cường bình luận.
“Cơ chế thị trường thôi. Giá vé máy bay cao quá, mọi người không mua, sân bay vắng thì giá sẽ giảm. Còn mọi người đều muốn bay, trong khi hãng thiếu tàu bay, chi phí cao, cung không đủ cầu… thì làm sao bắt hãng hàng không giảm giá được”, độc giả Hung Pham phân tích.
Theo Cục Hàng không, mức tăng giá vé Vietnam Airlines so với cùng kỳ năm ngoái là 15% (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Vé máy bay khiến du lịch Việt Nam bại trận trên chính sân nhà
Trong số những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nhề của biến động giá vé máy bay, du lịch là lĩnh vực lãnh hậu quả nghiêm trọng nhất. Việc chi phí đi lại tăng phi mã khiến nhiều người hạn chế du lịch, hoặc lựa chọn du lịch gần thay vì những nơi xa và buộc phải di chuyển bằng đường hàng không.
Chủ tài khoản Michel nhấn mạnh: “Nếu tình trạng này kéo dài lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Việt Nam. Khách Việt đổ xô đi du lịch Thái Lan và các nước lân cận vì tiền vé máy bay nội địa bằng giá cả tour đi Thái rồi. Cần phải hạ giá vé xuống”.
Cũng lấy du lịch Thái Lan làm hệ quy chiếu, độc giả Trần Vân viết: “Một tour du lịch 5 ngày 4 đêm đến Thái Lan có hơn 7 triệu đồng, xuất phát từ Sài Gòn. Cũng một tour du lịch Sài Gòn – Hà Nội 4 ngày 3 đêm hiện giá hơn 10 triệu đồng. Vậy bảo sao ngành du lịch khó cạnh tranh”.
“Bảo sao Việt Nam có cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, danh lam thắng cảnh mà những Thái Lan, Hàn Quốc hay Đài Loan cũng phải mơ ước nhưng doanh thu, lợi nhuận từ ngành công nghiệp không khói này tại những quốc gia kể trên lại gấp vạn lần Việt Nam. Còn tình hình tại đất nước chúng ta thì sao?”, anh Huy Hoang đặt câu hỏi.
Bằng giọng văn châm biếm, độc giả có nickname Chia sẻ Tri Thức bình luận: “Kết quả cuối cùng là chúng ta đã kích cầu du lịch, nhưng là du lịch cho nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan!”.
“Tự người Việt hại người Việt thôi. Cứ đến dịp nghỉ lễ là giá vé tăng ảo, đến sát ngày nghỉ khách bay ít giá vé lại giảm. Lúc đó khách cũng đã đi du lịch tuyến khác hết rồi”, quan điểm từ độc giả Nguyễn Thanh Bình.
“Quá buồn khi thua ngay trên sân nhà”, “Giá vé các dịp lễ tết ở nước ngoài họ ít thay đổi như Việt Nam, luôn ổn định, không có kiểu chộp giật mua theo thời điểm”, “Tiền cứ thế mà mang ra nước ngoài tiêu”… hàng loạt bình luận thể hiện sự chua xót khi ngành du lịch Việt Nam đang thất thế trên chính “sân nhà” và không thể thu hút du khách nội địa.
“Tư duy tranh thủ đặt lợi nhuận lên trên cả sự ổn định và uy tín, không thể bao biện bởi chi phí tăng để biện minh cho việc tăng giá các dịch vụ, vì những sự việc này năm nào cũng tiếp diễn. Mỗi khi thấy nhu cầu của khách tăng thì họ cũng tìm cách tăng giá”, độc giả Phan Trọng thẳng thắn chỉ ra vấn đề.