Nhiều người nhanh chóng chốt lời khi chỉ sau một tháng mua vàng đã mức lợi nhuận lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Lãi đậm sau 1 tháng mua vàng
Vừa bán chốt lời 3 lượng vàng, thu về hơn 60 triệu đồng tiền lời chỉ sau 1 tháng, chị Đỗ Thị Trang (Nam Định) cho biết, chưa bao giờ chị thấy mức lợi nhuận thu được từ việc đầu tư vàng có thể cao đến vậy.
Theo đó, hơn 1 tháng trước, chị Trang dùng số tiền tích cóp mua 3 cây vàng ở mức giá 98,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, thời điểm đó chị Trang đã chi ra gần 300 triệu đồng mua vàng với mục đích tiết kiệm.
Thế nhưng những ngày gần đây thấy giá vàng tăng phi mã, có lúc lên tới 125 triệu đồng/lượng, chị Trang liền tính tới việc bán vàng để chốt lời. Ngay sau khi thấy giá vàng quay về mức 121 triệu đồng mỗi lượng, chị đã mang tất cả số vàng mình có mang đi bán do lo sợ giá sẽ xuống tiếp.
“Tôi bán 3 lượng vàng với mức giá 119 triệu đồng/lượng, thu về 357 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 1 tháng mua vàng, tôi lãi tới 60 triệu đồng, tương đương mức lãi suất tới 20%”, chị Trang nói.
Nhiều người chốt lời vì lãi đậm sau 1 tháng mua vàng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Tương tự, anh Nguyễn Quốc Huy (Đống Đa, Hà Nội) cũng vừa chốt lời 5 cây vàng, thu về một mức lợi nhuận lớn chỉ sau 2 tháng mua vàng.
Thời điểm 2 tháng trước, anh Huy chuẩn bị số tiền 500 triệu đồng với ý định mua ô tô, thế nhưng thời điểm đó số tiền này vẫn chưa đủ để anh mua chiếc xe như dự định
Sợ sẽ tiêu mất số tiền này, anh Huy mua 5 cây vàng ở mức giá 92 triệu đồng/lượng để tích trữ đợi đủ tiền sẽ mua ô tô. Những ngày vừa qua, giá vàng lên mức 121 triệu đồng/lượng, theo tính toán, số 5 cây vàng của anh Huy đã có giá trị khoảng 700 triệu đồng. Số tiền này đã đủ để mua chiếc xe ô tô như dự định trước đó, anh Huy ngay lập tức bán hết số vàng trên.
“Đây là mức lợi nhuận không nhỏ, dù hy vọng giá vàng vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhưng với số tiền lời đã vượt quá mức tưởng tượng của tôi. Việc đầu tư vàng đúng sóng tăng giá giúp tôi thu được mức lợi nhuận không thể ngờ được”, anh Huy nói.
Nhà đầu tư nên mua hay bán?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc thị trường “nóng” lên chủ yếu do mất cân đối cung – cầu. Nhu cầu mua vàng tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế, dẫn đến giá vàng trong nước leo thang.
“Vàng là mặt hàng nhạy cảm với biến động thị trường và hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu. Các biện pháp hành chính chỉ có tác dụng ngắn hạn, muốn ổn định giá thì phải cân bằng được cung cầu”, ông Hiếu phân tích.
Ông cũng cho biết, giá vàng trong nước đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới. Nếu bất ổn địa chính trị toàn cầu tiếp tục kéo dài, giá vàng có thể còn tăng thêm.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, thị trường vàng rất khó lường. “Giá vàng có thể quay đầu giảm bất cứ lúc nào, nhất là khi nhà đầu tư ồ ạt bán ra chốt lời. Khi nguồn cung tăng, giá sẽ tự động điều chỉnh”, ông nói.
Giá vàng thời gian qua biến động dữ dội. (Ảnh minh họa)
Ông Hiếu khuyến nghị người dân nên thận trọng và theo dõi sát sao diễn biến thị trường trước khi đưa ra quyết định mua vào hay bán ra nhằm tránh rủi ro tài chính. Ông nhấn mạnh rằng với thị trường vàng, không thể xác định được mức “đỉnh” cụ thể, bởi giá có thể cao trong hôm nay nhưng vẫn tiếp tục tăng vào ngày mai. Do đó, theo ông, việc đầu tư vàng luôn đòi hỏi sự tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng.
Với mức giá hiện tại của vàng trong nước, mức chênh với thế giới vào khoảng 13-15 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm. Đây là mức chênh lệch cao, nên đầu tư sẽ rất rủi ro.
Ông Hiếu cũng cho rằng, người dân và nhà đầu tư vàng nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30% là hợp lý. Trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận khoảng 30% là có thể nghĩ tới việc chốt lời để bảo toàn lợi nhuận. Hoặc nếu muốn mua vàng lúc này cần cân nhắc dư địa tăng giá còn nhiều hay không.
“Chúng ta đừng chạy theo phong trào và đừng quá lo lắng khi thấy giá vàng lên xuống, điều quan trọng là cần có chiến lược và mục tiêu lợi nhuận. Tôi vẫn luôn nói rằng “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ngoài vàng, chúng ta có thể đa dạng kênh đầu tư vào chứng khoán và bỏ một phần tiền vào ngân hàng”, ông Hiếu khuyến nghị.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cũng cho biết, giá vàng cuối năm nay có thể chịu nhiều áp lực khi các yếu tố đang hỗ trợ thị trường dần trở nên suy yếu. Trong một chu kỳ dài, sẽ có năm tăng, năm giảm.
Đối với đà tăng, thời gian sẽ kéo dài khoảng 2 năm, tương ứng mức tăng 20 – 30%. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, mức tăng đã lên tới hơn 50%.
Ông Khánh cho rằng, thị trường vàng vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh và chịu tác động từ nhiều yếu tố kinh tế – chính trị trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu có ý định “lướt sóng” vàng, nhà đầu tư chưa hẳn kiếm được lợi nhuận và khá rủi ro. Hơn nữa, vàng cất trữ không phải là một kênh đầu tư, mà như là “tiền chết” và chỉ là nơi trú ẩn an toàn.
Lúc 6h ngày 27/4, giá vàng miếng tại Doji và SJC được niêm yết ở mức 119-121 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn hiện được Doji niêm yết ở mức 114 – 116,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra, tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua và 1 triệu đồng/lượng chiều bán so với kết phiên giao dịch hôm qua.