Tình hình kinh doanh tại EVN trong 2 năm qua thua lỗ nặng, trong khi đó chi trả lãi vay lên đến 8.744 tỉ đồng.
EVN thua lỗ nặng, chi phí lãi vay tăng cao. Ảnh: EVN
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác đồng loạt tăng
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng doanh thu thuần của toàn Tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.
Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2023 đạt 271,68 tỉ kWh, tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 99,1% kế hoạch; điện thương phẩm toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 253,05 tỉ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022 và bằng 100,7% kế hoạch.
EVN chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023, tính đến kỳ báo cáo cuối quý II/2023, tổng doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của EVN đạt 229.880 tỉ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn là doanh thu điện với 228.866 tỉ đồng, còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ với 1.013 tỉ đồng.
Giá vốn ở mức 245.068 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn và giá vốn cao hơn doanh thu khiến EVN lỗ gộp tới 15.188 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước khoản lỗ ở mức 4.216 tỉ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ lên đến 9.030 tỉ đồng, tăng 11,3%, trong đó chi phí lãi vay ở mức 8.744 tỉ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác cũng đồng loạt tăng. Chi phí bán hàng ở mức 2.677 tỉ đồng, tăng 1,7%; chi phí quản lý doanh nghiệp 6.261 tỉ đồng, tăng 3,4%; chi phí khác 262 tỉ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thua lỗ nặng 2 năm liên tiếp
Ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.900 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay 2.223 tỉ đồng; lãi chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện 2.014 tỉ đồng.
KQKD hợp nhất EVN 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh chụp màn hình BCTC EVN
Sau khi hạch toán các chi phí, EVN lỗ hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 29.107 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước khoản lỗ ở mức 16.586 tỉ đồng. Cả năm 2022 EVN lỗ sau thuế hợp nhất 20.743 tỉ đồng, lỗ ròng 22.256 tỉ đồng.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2023, Công ty mẹ EVN cũng ghi nhận khoản lỗ lên đến 32.055 tỉ đồng, cùng kỳ năm 2022 khoản lỗ này ở mức 22.215 tỉ đồng; cả năm 2022 lỗ 26.498 tỉ đồng.
Trình bày trong báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 của Công ty mẹ, EVN cho biết năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính; vận hành tối ưu nguồn điện (huy động tối đa nguồn thủy điện, giảm huy động các nguồn nhiệt điện có giá thành cao); triển khai các giải pháp về tài chính như tăng thu tối đa cổ tức từ các đơn vị thành viên và CTCP…
Tuy nhiên trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện. EVN thông tin, giá bán lẻ điện bình quân đã được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh 2 lần: lần 1 tăng 3% vào tháng 5.2023 và lần 2 tăng 4,5% vào tháng 11.2023.
Sản lượng thủy điện giảm mạnh so với năm 2022 (giảm khoảng 15,3 tỉ kWh) và kế hoạch đầu năm 2023 (giảm khoảng 8,7 tỉ kWh), chi phí mua điện thị trường điện tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN dự kiến tiếp tục lỗ năm 2023, là năm thứ 2 liên tiếp thua lỗ.