Để GPLX ô tô quá hạn dù chỉ 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết

Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) vừa được Bộ GTVT ban hành có nhiều điểm mới trong cấp, đổi GPLX.

Nhiều quy định mới về GPLX quá thời hạn

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành kế từ ngày 1/1/2025.

Điểm mới đáng chú ý của Thông tư này là có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành liên quan đến người có GPLX quá thời hạn sử dụng.

Để GPLX ô tô quá hạn dù chỉ 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết- Ảnh 1.

Thông tư 35/2024 của Bộ GTVT hướng dẫn thi hành Luật trật tự ATGT đường bộ có nhiều điểm mới trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX (Ảnh minh họa).

Theo đó, người có GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết theo quy định. GPLX quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường trường.

Thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định: Người có GPLX thuộc các hạng nêu trên bị mất nhưng quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm, phải dự sát hạch lý thuyết. Quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch cả lý thuyết và thực hành. GPLX thuộc trường hợp này phải có tên trong hồ sơ của sở GTVT, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.

Lý giải về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, với quy định hiện hành tại Thông tư số 04/2022 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ: Người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX. Từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Theo quy định trên, khi GPLX hết hạn sẽ không được điều khiển phương tiện nhưng quá hạn dưới 3 tháng vẫn được đổi sang GPLX mới và không phải thi lại lý thuyết.

Tuy vậy, tại Luật trật tự, ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định: Người có GPLX được đổi, cấp lại trước thời hạn ghi trên GPLX. Điều này có nghĩa là người có GPLX quá hạn dù chỉ 1 ngày khi muốn đổi sang GPLX mới sẽ phải sát hạch lại.

Vì vậy, tại Thông tư 35/2024 của Bộ GTVT hướng dẫn thi hành Luật trật tự, ATGT đường bộ, Bộ GTVT quy định: Người có GPLX quá hạn dưới 1 năm sẽ phải thi lại lý thuyết. Qúa hạn trên 1 năm sẽ phải thi lại thực hành.

GPLX bị mất được cấp lại ngay

Liên quan đến cấp lại GPLX, tại thông tư mới, Bộ GTVT cho phép người có GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng được xét cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh. Việc cấp lại GPLX bị mất thực hiện theo quy định của thông tư này.

Thêm vào đó, Bộ GTVT quy định không cấp lại GPLX đối với các trường hợp: GPLX không có trong hệ thống thông tin GPLX tại Cục Đường bộ Việt Nam, bảng kê danh sách cấp GPLX (sổ quản lý); chưa cấp lại GPLX đối với người vi phạm trật tự ATGT chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, trước đây, người bị mất GPLX sau 2 tháng để sở GTVT tra cứu xem GPLX có bị tạm giữ, bị tước hay không. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cần thời gian để tổng hợp các trường hợp bị tạm giữ, bị tước sau đó mới cập nhật lên dữ liệu và gửi sang ngành GTVT.

Để làm được điều này là do ở thời điểm hiện tại công nghệ đã phát triển, lực lượng CSGT có thể cập nhật ngay vào dữ liệu xử lý vi phạm đối với các trường hợp bị tạm giữ hay bị tước GPLX. Cơ quan cấp đổi sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu để kiểm tra và cấp lại GPLX.

“Theo quy định mới, người bị mất GPLX còn thời hạn sẽ được cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh. Quy định nhằm tháo gỡ đối với các trường hợp thật sự bị mất GPLX. Thời gian 2 tháng chờ đợi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, nhất tài xế kinh doanh vận tải”, ông Thống cho hay.