Bất ngờ về vụ án ‘long trời, lở đất’ ở Hà Nội: Thu 5.300 tỷ đồng và có thể lên tới hàng tỷ USD

Số tang vật “khủng” trong vụ án liên quan đến Mr.Pips Phó Đức Nam khiến nhiều người choáng váng.

Đã thu giữ khoảng hơn 5.300 tỷ đồng liên quan vụ án Phó Đức Nam

Tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an năm 2024 tổ chức vào chiều 26/12/2024, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin thêm về vụ án liên quan đến Phó Đức Nam (Tiktoker Mr.Pips).

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, quá trình điều tra, xác minh, tính đến ngày 26/12/2024, số tài sản đã thu giữ thêm gồm có: 1 xe ô tô Mecedes G63, 12 tỷ đồng trong tài khoản và 18 nhà chung cư và biệt thự, tổng trị giá khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Phó Đức Nam khi bị bắt. Ảnh: CA Hà Nội

Đồng thời xác định thêm 500.000 USD gửi trong tài khoản mở tại nước ngoài, nhiều tài sản khác đang ở nước ngoài. Công an TP Hà Nội đang xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thời gian tới sẽ thực hiện các biện pháp tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản ở nước ngoài.

Trong tài khoản Ví điện tử của Phó Đức Nam, Cơ quan Điều tra đã xác định được “Ví lạnh” (được sử dụng để lưu trữ tiền điện tử). Trường hợp các “Ví lạnh” này được thanh toán trong nước sẽ được thu hồi nhưng sẽ khó khăn hơn nếu được dùng để mua tiền ảo ở nước ngoài.

Như vậy, tổng tất cả các tài sản thu giữ, phong tỏa trong vụ án có giá trị đến nay khoảng hơn 5.300 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng lên có thể đến hàng tỷ USD một khi Bộ Công an tiến hành thu hồi tài sản ở nước ngoài của các bị can.

Trước đó, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can, trong đó có Phó Đức Nam (sinh năm 1994, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngày 25/10/2024, Công an quận Cầu Giầy, Công an TP Hà Nội phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức bắt giữ hàng chục đối tượng trong băng nhóm của Phó Đức Nam, đồng thời thu giữ hàng loạt tang vật “khủng” trị giá 5.200 tỷ đồng khi ập vào nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng.

Gồm có: 316 tỷ đồng tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng tiền mặt VND, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương… Ngoài ra, đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản trên khắp cả nước

 

Tiền, vàng tang vật. Ảnh: CA Hà Nội

Đặc biệt, Công an quận Cầu Giấy đang tạm giữ 31 siêu xe và 7 mô tô hạng sang thuộc các hãng xe danh tiếng như Rolls-Royce, Porsche, Mercedes, BMW hay Lamborghini. Trong đó, chiếc Rolls-Royce Cullinan có giá trị đắt nhất khoảng 35-40 tỷ đồng. Hàng chục chìa khoá ô tô cũng bị thu giữ. Thậm chí, một số chìa khoá được đúc bằng vàng nguyên khối đính kim cương.

Số siêu xe tang vật. Ảnh: CA Hà Nội

Trong số các bất động sản, có chung cư cao cấp và biệt thự liền kề, đặc biệt là 2 căn hộ cao cấp ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có giá 1 tỷ đồng/m2.

Số siêu xe tang vật. Ảnh: CA Hà Nội

Trong số các bất động sản, có chung cư cao cấp và biệt thự liền kề, đặc biệt là 2 căn hộ cao cấp ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có giá 1 tỷ đồng/m2.

Cơ quan chức năng cũng thu giữ 36 túi xách, ví của những thương hiệu nổi tiếng, đắt đỏ hàng đầu thế giới như túi da cá sấu bạch tạng Himalaya phiên bản giới hạn giá khoảng hơn 5 tỷ đồng; các loại túi Hermes, Gucci, LV…

Đồng hồ, túi xách hàng hiệu tang vật. Ảnh: CA Hà Nội

59 chiếc đồng hồ trị giá 300 tỷ đồng thuộc các hãng Cartier, Hublot, Patek Philippe, Richard Mille, Jaeger-LeCoultre, Omega (trong số này có đồng hồ tới 1 triệu USD)… Điện thoại vertu mạ vàng, đính kim cương.

Đường dây lừa đảo “khủng” của Phó Đức Nam

Theo điều tra, từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (HKTT: Tòa S2 khu nhà dịch vụ văn phòng, số 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có Văn phòng điều hành tại khu Morgan Tower, thành phố Phnom-penh, Campuchia và chỉ đạo 07 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều Công ty “ma” đặt trụ sở tại thành phố Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác.

Trong đó, có Công ty TNHH ARTEX VINA (trụ sở: phòng 1206, Citilight Tower, số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM) có khoảng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam (có 24 văn phòng làm việc tại Hà Nội). Mặc dù Công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 05 trang web (gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com) có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.

Đồng thời, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cũng chỉ đạo các đối tượng khác tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại Công ty và phân cấp quản lý thành nhiều bộ phận (như: Kế toán, Nhân sự, Bộ phận IT, Bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng…).

Phó Đức Nam khi bị tạm giam. Ảnh: CA Hà Nội

Các bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động độc lập, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp xúc với khách hàng thông qua một số nền tảng mạng xã hội như: Zoiper, Zalo, Telegram… cung cấp thông tin sai sự thật từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản, ví điện tử gắn với sàn giao dịch nhằm mục đích thực hiện giao dịch ngoại hối, chứng khoán phát sinh kiếm lợi nhuận.

Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền ít, “có lãi” và rút tiền được; sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để dụ dỗ, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.

Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức “cháy” tài khoản) thì các đối tượng tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng có niềm tin tiếp tục chuyển thêm tiền để “gỡ vốn”, cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.

Ngày 25/10/2024, CATP Hà Nội đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Bộ Công an và các đơn vị liên quan tiến hành triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Có những vụ án “long trời, lở đất” khi hỏi ra là công an cấp quận, huyện làm

Dự, chỉ đạo Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương sáng 17/12, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu: “Việc phân cấp lực lượng công an làm hay lắm, vừa qua, các đồng chí làm những vụ án “long trời, lở đất”, khi hỏi đơn vị nào làm thì là Công an cấp quận, huyện”.

“Vụ án có hàng nghìn người bị lừa, cả trong nước và thế giới, thu về 5.200 tỷ đồng (vụ Mr. Pips Phó Đức Nam do Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội triệt phá), nếu làm triệt để là hàng tỷ USD… Cấp quận, huyện có thể làm được những việc như thế thì cấp xã cũng có thể làm được, khi được Bộ hướng dẫn, cung cấp thông tin”, Tổng Bí thư nói.

Theo Chi Chi (Nguoiduatin.vn)