Chiều 30-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Bùi Xuân Phúc (cựu cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai) và Phạm Đức Tính (cựu luật sư) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa được mở do hai bị cáo đều có đơn kháng cáo. Hiện bị cáo đang được tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phúc mức án 15 năm tù và Tính 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chi 14 tỉ để “lo” cho người quen lên Phó Giám đốc Công an tỉnh
Theo nội dung vụ án, năm 2015, bà Nguyễn Vũ Hoàng Oanh (ngụ Đồng Nai) quen biết với Bùi Xuân Phúc (khi đó đang làm cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai). Lúc này Phúc khoe có cậu là Phạm Đức Tính (làm nghề luật sư) có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo Bộ Công an.
Trong khoảng thời gian năm 2018, bà Oanh xây dựng một phòng khám đa khoa tại huyện Trảng Bom và có quen với ông LVH khi đó đang là Trưởng công an huyện Trảng Bom. Lúc này ông LVH có giúp bà Oanh một số việc liên quan đến phòng khám nhưng không nhận lợi ích vật chất của người phụ nữ này.
Từ đó, bà Oanh có mối quan hệ thân thiết với ông LVH nên đã nảy ý định tìm cách “lo” cho ông LVH lên chức Phó giám đốc Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai để sau này sẽ nhờ cậy trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Oanh trao đổi với Phúc và được Phúc đồng ý. Sau đó Phúc liên hệ với Tính giúp đỡ. Tính báo lại với Phúc “lo” được với giá 7 tỉ đồng nhưng phải đưa trước 5 tỉ đồng, 2 tỉ đồng còn lại sẽ đưa khi có quyết định bổ nhiệm.
Sau đó, Phúc báo lại với Oanh số tiền phải “lo” cho ông LVH lên chức là 14 tỉ đồng và người phụ nữ này đồng ý, nhờ tài xế riêng đứng tên chuyển tiền vào tài khoản của Phúc.
Sau khi nhận được tiền, Phúc gặp và đã đưa cho Tính 550 triệu đồng tiền chi phí đi lại trong quá trình “lo” việc. Lúc này Tính nói đã đặt vé ra Hà Nội để gặp lãnh đạo Bộ Công an và yêu cầu phải chuyển số tiền còn lại. Phúc tiếp tục chuyển cho Tính 4,2 tỉ đồng. Số tiền còn lại Phúc đưa cho người thân mở sổ tiết kiệm, mua xe ô tô và tiêu xài cá nhân.
Giữa tháng 12-2019, bà Oanh hỏi Phúc tình hình có ra gặp lãnh đạo Bộ công an “lo việc” không và kết quả thế nào thì Phúc nói dối là đã trực tiếp đi cùng Tính và việc này “lo được”, “cứ yên tâm” chờ kết quả.
Tháng 3-2020, thấy ông LVH chưa được bổ nhiệm, bà Oanh nhờ Phúc hỏi tình hình. Tính nói dối là lãnh đạo Bộ Công an chuẩn bị vào Công an tỉnh Đồng Nai làm quy trình bổ nhiệm cho ông LVH nên cứ yên tâm chờ. Một thời gian sau Oanh tiếp tục hỏi việc “lo” cho ông LVH thì Phúc và Tính vẫn khẳng định “lo được”.
Đến tháng 3- 2021, ông LVH nghỉ hưu theo quy định thì bà Oanh hối thúc yêu cầu Phúc trả lại tiền. Lúc này Phúc nói đã đưa cho Tính “chung chi” cho người khác nên không lấy lại được. Do đó Oanh đến cơ quan công an để trình báo sự việc.
Chạy chức cho “người tình”
Theo hồ sơ vụ án, ngoài việc chi 14 tỉ đưa cho Phúc “lo” việc cho ông LVH thì bà Oanh còn nhờ Phúc lo việc cho “người tình” khi đó là cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai lên chức Đội trưởng.
Lúc này Phúc nói với Tính và Tính đồng ý với giá là 20.000 USD (khoảng 500 triệu đồng). Phúc báo lại với bà Oanh số tiền phải lo là 40.000 USD và Oanh đồng ý. Tuy nhiên, do đang khó khăn nên bà Oanh nhờ Phúc mượn tiền đưa cho Tính trước. Vài ngày sau Phúc đưa cho Tính 400 triệu đồng để “lo” việc nhưng Tính chưa nhận mà nói “để lo việc kia cho xong đã”.
Ngoài ra vào tháng 2-2020, do tin tưởng Phúc và Tính có mối quan hệ với lãnh đạo Bộ công an nên bà Oanh nhờ “lo” giúp trúng đấu thầu mua cây tràm tại Trại giam Z30D và Phúc đồng ý. Lúc này Phúc nói phải chi 100.000 USD (khoảng hơn 2,5 tỉ đồng) và 5.000 USD cho chi phí đi lại.
Sau đó, Phúc lại đặt vấn đề với Tính, giá 50.000 USD và Tính đồng ý.
Tháng 2-2020, Oanh chuyển cho Phúc gần 2,5 tỉ đồng để “lo” việc trúng thầu mua cây. Khi nhận được tiền Phúc chuyển cho Tính số tiền gần 1,2 tỉ đồng.
Theo lời khai bà Oanh thì tổng số tiền đưa cho Phúc là gần 20 tỉ đồng. Tuy nhiên qua điều tra chỉ xác định Phúc chiếm đoạt của bà Oanh số tiền gần 16,5 tỉ đồng.