Giá vàng tối nay 11/4: Mới leo đỉnh giờ đã l-ao dốc, quá nhanh quá nguyhiem

Đến chiều nay, giá vàng nhẫn, vàng SJC đồng loạt giảm mạnh với mức hạ lên tới gần 2 triệu đồng/lượng.

Đến chiều nay, giá vàng trong nước bất ngờ quay đầu lao dốc sau khi tăng nóng. Giá vàng miếng tại các thương hiệu lớn như PNJ, SJC, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đồng loạt giảm mạnh tới 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mốc đỉnh lịch sử xác lập sáng nay. Hiện, giá vàng miếng giao dịch quanh mức 102,7 – 105,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh giảm sâu. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn giảm lần lượt 1,7 – 1,9 triệu đồng/lượng, xuống còn 100,9 – 104,5 triệu đồng/lượng. PNJ niêm yết vàng nhẫn ở mức 100,8 – 104,3 triệu đồng/lượng, giảm trung bình 1,1 triệu đồng ở chiều mua vào và 700.000 đồng ở chiều bán ra.

Tương tự, công ty SJC hạ giá vàng nhẫn về mức 101,4 – 104,4 triệu đồng/lượng, giảm tới 1 triệu đồng mỗi lượng. DOJI cũng điều chỉnh giảm mạnh 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện mua vào – bán ra ở mức 100,5 – 103,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng niêm yết tại DOJI chiều nay. (Ảnh chụp màn hình)

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng nhẫn, vàng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng vọt với mức tăng trung bình 2,8 triệu đồng/lượng.

Theo đó, giá vàng miếng tại PNJ, công ty SJC, DOJI đồng loạt điều chỉnh lên mức 103,4 – 106,4 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Tại PNJ, giá kim loại quý này đang giao dịch ở mức 101,9 -105,1 triệu đồng/lượng. Công ty SJC và DOJI đồng loạt điều chỉnh giá vàng nhẫn lần lượt lên mức 102,4 – 105,6 triệu đồng/lượng và 101,2 – 104,1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở ngưỡng 3.205 USD/ounce, tăng tới 30 USD so với phiên giao dịch trước.

Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), những lo ngại ngày càng gia tăng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn đã thực sự khiến các nhà đầu tư không còn đứng ngoài cuộc, mà chuyển mạnh dòng tiền vào vàng.

Dù thị trường vàng đã ghi nhận dòng tiền ổn định vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên vàng kể từ đầu năm, dữ liệu dòng tiền tháng 3 từ WGC cho thấy sự gia tăng trên diện rộng tại tất cả các khu vực chính.

Cụ thể, các quỹ ETF niêm yết tại Bắc Mỹ chiếm 61% tổng dòng tiền vào, trong khi thị trường châu Âu chiếm khoảng 22% và thị trường châu Á đóng góp 16% vào tổng dòng vốn toàn cầu.

Tổng cộng 92 tấn vàng trị giá 8,6 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF toàn cầu trong tháng trước. Riêng quý I, dòng vốn vào các ETF đạt 226 tấn vàng, trị giá 21 tỷ USD. Đây là mức cao thứ hai theo giá trị USD trong lịch sử, chỉ đứng sau quý II năm 2020.

Xét theo khu vực, các quỹ ETF tại Bắc Mỹ đã gia tăng lượng nắm giữ thêm 67,4 tấn vàng trong tháng 3. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu vẫn được thúc đẩy bởi các yếu tố quen thuộc như đà tăng giá vững chắc, bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị.

“Hơn nữa, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán do lo ngại về tăng trưởng và tính thanh khoản trong bối cảnh chính sách thắt chặt định lượng tiếp diễn, càng khiến nhà đầu tư tăng cường tìm đến tài sản trú ẩn an toàn như vàng,” báo cáo cho biết.

Trong khi đó, các quỹ niêm yết tại châu Âu ghi nhận dòng tiền vào đạt 13,7 tấn. Báo cáo cho thấy Anh, Thụy Sĩ và Đức đều tăng lượng vàng nắm giữ.

“Mặc dù Ngân hàng Trung ương Anh không thay đổi lãi suất chuẩn trong cuộc họp tháng 3, triển vọng tăng trưởng mờ mịt do lo ngại về thuế quan của Mỹ, hiệu suất yếu của thị trường chứng khoán và giá vàng tăng vọt đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng tại Anh,” các nhà phân tích nhận định.

“Tương tự, dù lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tăng mạnh đầu tháng 3 do kế hoạch chi tiêu lớn của nước này, nhà đầu tư tại châu Âu vẫn tiếp tục đưa vàng vào danh mục khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất, làm gia tăng kỳ vọng nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng.”

“Trung Quốc và Nhật Bản chiếm ưu thế về nhu cầu trong tháng 3, chủ yếu do hiệu suất tăng mạnh của giá vàng – vượt trội hơn so với các loại tài sản khác trong tháng và rủi ro leo thang từ chính sách thương mại toàn cầu,” các chuyên gia cho biết.

Dù có rủi ro rằng đà tăng của vàng có thể không bền vững, WGC khẳng định thị trường hiện đang được hỗ trợ bởi động lực mạnh mẽ.

“Mức độ và tốc độ tăng giá hiện tại của vàng đã gợi nhớ đến các đỉnh cao trước đó. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi cho thấy điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay khác biệt đáng kể so với các thời kỳ mà vàng từng lập đỉnh,” báo cáo viết.