Hai tuần qua, chị Kim Anh, nhân viên y tế đang làm việc tại quận 1, TP HCM, sốt sắng tìm mua nhà vì lo giá sẽ tăng sau khi luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.
Chị Kim Anh cho biết cần mua nhà để ở nên đã xin cơ quan chuyển sang làm ca sáng, tranh thủ buổi chiều đi thực tế cùng môi giới. Chị quan tâm nhà riêng và đất thổ cư giá từ 4-5 tỷ đồng trên khu vực quận 12, Gò Vấp. Sau khi tìm hiểu hơn chục căn nhà và 7-8 lô đất nền, chị ưng ý được hai căn nhưng vẫn đang thương lượng giá.
“Giờ không tranh thủ mua, tôi sợ thời gian tới khi các bộ luật mới có hiệu lực, giá nhà lại tăng”, chị chia sẻ.
Tương tự, từ đầu tháng 7, anh Phạm Trung Tín, kỹ sư xây dựng đang làm việc tại Bình Dương, gần như cuối tuần nào cũng đi xem nhà với môi giới. Vợ chồng anh nhắm đến căn hộ tại các dự án chung cư cũ trên khu vực phường Đông Hòa, TP Dĩ An, tầm giá dưới 2 tỷ đồng.
Anh Tín cho biết quá trình tìm nhà đã diễn ra từ tháng 2, nhưng lúc đó vẫn thong thả vì chưa vội. Tuy vậy từ cuối tháng 6, anh đẩy nhanh tiến độ, quyết chốt được việc mua nhà trong tháng 7, chậm nhất là tháng 8 vì lo cơ hội giá rẻ sẽ qua.
“Tôi nghĩ giá nhà có thể chưa tăng ngay sau ngày 1/8 – thời điểm ba bộ luật mới có hiệu lực, nhưng qua năm khả năng sẽ đi lên. Nếu đã tính mua thì lúc này là hợp lý”, anh nói.
Ông Phúc, một nhà đầu tư kỳ cựu ở Đồng Nai, cũng tìm mua đất nền ở các quận/huyện ven TP HCM, mục tiêu là đón đầu cơ hội giá đất tăng sau quy định siết phân lô theo Luật Kinh doanh Bất động sản mới. Gần đây, ông gom tiền và rủ thêm người thân mua đất chờ đón sóng. Ông chỉ chọn đất đầy đủ giấy tờ, gần các khu dân cư.
Giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại TP Thủ Đức (TP HCM), nhìn nhận từ cuối tháng 5, nhiều người sốt sắng tìm kiếm bất động sản để mua do lo ngại giá sẽ biến động khi 3 bộ luật về đất đai có hiệu lực. Nhất là các giao dịch mua nhà riêng và đất nền thổ cư trong tháng qua chốt hợp đồng rất nhanh, không còn tình trạng “kì kèo xem cho biết” như đầu năm.
“Giao dịch diễn ra nhanh, người mua ra quyết định dứt khoát hơn và bên bán cũng chưa có động thái tăng giá”, ông cho hay.
Tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) của nhiều người mua nhà được phản ánh rõ nét thông qua lượng giao dịch trên thị trường gần đây. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, có hơn 253.000 sản phẩm bất động sản bán thành công, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước. Còn Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết riêng quý vừa qua, toàn thị trường có hơn 14.400 giao dịch thành công, tăng 2,4 lần so với quý I. Giao dịch đến từ nhóm đầu tư và cả người ở thực, trong đó nhóm khách mua để đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước.
Báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra sức mua bất động sản phục hồi mạnh mẽ thời gian qua. Số liệu từ Savills Việt Nam cho thấy trong quý II, TP HCM ghi nhận tỷ lệ hấp thụ chung cư tăng gấp đôi theo quý và tăng 606% theo năm, đóng góp gần 70% tổng lượng bán 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, theo CBRE Việt Nam, lượng chung cư chào bán thành công tại Hà Nội quý II tăng 5 lần so với số căn bán được ở quý trước và cả cùng kỳ năm ngoái…
Theo tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính, bất động sản Dat Xanh Services, một trong những diễn biến đang được thị trường bất động sản trông đợi là việc 3 bộ luật mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Giới chuyên gia có chung dự báo giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng sau khi các quy định từ luật được thực thi. Điều này thúc đẩy nhiều người tranh thủ xuống tiền vì sợ bỏ lỡ cơ hội sở hữu nhà với giá tốt.
“Nếu đầu năm, sức mua phần lớn đến từ nhóm có nhu cầu ở thực, gần đây nhóm đầu tư đã bắt đầu quay lại thị trường”, ông Khôi cho hay.
Ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu ấm lên, tăng trưởng kinh tế tốt hơn nên xuất hiện dòng người rục rịch đi mua nhà đất. Giá bất động sản cũng đang tăng cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Không thể phủ nhận, việc tăng giá có xuất phát từ cán cân cung – cầu thực, nhưng cũng có tình trạng đánh vào tâm lý đám đông để thổi giá, gây nóng sốt cục bộ.
Ông Chung khuyến nghị người mua nhà cần tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý đảm bảo. Không lao theo cơn “sốt” phong trào và cân nhắc bài toán tài chính trước khi đưa ra quyết định.
Còn theo ông Lê Quốc Kiên, nhà đầu tư bất động sản kì cựu tại TP HCM, không phải loại hình và phân khúc bất động sản nào cũng chịu tác động nhiều khi các bộ luật mới được áp dụng. Nhà riêng, nhà phố trong các khu dân cư có sẵn, đã có sự ổn định cao nên mức độ chịu ảnh hưởng không lớn. Các loại hình như chung cư, dự án liền thổ, đất nông nghiệp, đất nền sẽ bị tác động nhưng theo từng giai đoạn khác nhau.
Ông dự báo từ ngày 1/8 đến cuối 2024, thị trường sẽ giao dịch tốt hơn và giá nhà khả năng đi lên từ vùng đáy. Tuy nhiên phải đến quý III/2025, giá bất động sản mới có thể về lại mức cuối 2021 và từ năm 2026, chu kỳ tăng trưởng mới sẽ bắt đầu. Vậy nên nửa cuối năm nay, giá bất động sản vẫn sẽ đi ngang và còn nhiều cơ hội cho người mua ở thời điểm này.
Giám đốc kinh doanh của Batdongsan Đinh Minh Tuấn cũng khuyên nếu mua để ở, người mua nên xuống tiền sau khi 3 bộ luật có hiệu lực và thị trường thẩm thấu các chính sách mới. Dù giá có sự điều chỉnh so với hiện tại, các quy định của luật mới sẽ bảo vệ toàn diện các quyền lợi của người mua hơn.
“Tuyệt đối không nên mua nhà vì tâm lý đám đông, sợ lỡ cơ hội mà phải cân nhắc câu chuyện tài chính trước khi đưa ra quyết định”, ông nói.