Sáng 21/7, Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank) tiếp tục giữ nguyên giá bán vàng miếng SJC ở mức 80 triệu đồng/lượng. Điều này kéo theo giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp khác cũng ổn định, dù giá vàng thế giới đột ngột lao dốc.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại giảm mạnh theo giá vàng thế giới. Chính vì thế, giá vàng nhẫn hiện thấp hơn vàng miếng khoảng 3 triệu đồng/lượng, sau khi đã có thời điểm vượt qua và gần đây nhất là ngang bằng với vàng miếng.
Cụ thể, SJC đang niêm yết giá bán vàng nhẫn ở mức 77,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng 2,9 triệu đồng. Doji cũng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,15 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng 2,85 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết giá bán vàng nhẫn tròn trơn ở mức 77,23 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng 2,77 triệu đồng mỗi lượng.
3 ngày trước (17/7), giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng SJC, khi giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức giá 76,98 triệu đồng/lượng. Lúc này, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng 130.000 đồng.
Đến ngày 18/7, giá vàng miếng bất ngờ tăng lên mức 80 triệu đồng/lượng sau hơn 1 tháng đứng im. Giá vàng nhẫn cũng điều chỉnh tăng và niêm yết ngang bằng giá vàng miếng.
Trong khi đến hôm nay, giá vàng nhẫn tiếp tục biến động cùng chiều với giá thế giới nhưng giá vàng miếng vẫn đứng im.
Trên thị trường thế giới, giá vàng được niêm yết trên Kitco ở mức 2.400 USD/ounce, giảm 43 USD/ounce so với hôm qua. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.402,8 USD/ounce, giảm 53,6 USD.
Giá vàng thế giới đã mất hơn 2% trong phiên giao dịch cuối của tuần này do chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD. Đồng USD tăng 0,1% so với các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng tăng, gây áp lực không nhỏ lên vàng thỏi.
Bên cạnh đó, hoạt động chốt lời trên thị trường tăng sau khi kim loại quý này đạt mốc cao mọi thời đại nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 ngày càng tăng cao cũng là yếu tố đẩy giá vàng đi xuống.