Trước động thái dừng đấu thầu vàng của NHNN, nhiều chuyên gia kiến nghị, cơ quản quản lý nên cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Dài hạn hơn là sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngày 27-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức thông báo dừng hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC. NHNN sẽ triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới từ ngày 3-6.
Vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới 17-18 triệu đồng/lượng
Từ ngày 19-4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức, trong đó có 6 phiên thành công với tổng kết quả trúng thầu 48.500 lượng (tương đương hơn 1,8 tấn vàng) được cung ứng ra thị trường.
Tuy nhiên, kết quả từ các cuộc đấu thầu vàng chưa thực sự thành công. Hai phiên đấu thầu có khối lượng lớn nhất được tung ra thị trường là vào ngày 16-5 và 23-5, với 12.300 và 13.400 lượng vàng.
Đáng chú ý, giá trúng thầu thường cao hơn giá mua vào trên thị trường. Theo đó, sau mỗi phiên đấu thầu vàng, giá lại tăng lên. Điển hình như giá trúng thầu vàng miếng ngày 21-5 cao hơn giá mua vào trên thị trường 920.000 đồng/lượng.
Tình trạng này khiến nhiều ý kiến cho rằng đấu thầu vàng đang làm lực đẩy, khiến giá vàng miếng tăng phi mã. Hiện nay, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 17-18 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu so sánh với mức chênh lệch ở thời điểm trước khi NHNN đấu thầu vàng là 9,53 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã tăng gần gấp đôi.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp đầu thầu vàng từ NHNN chưa hiệu quả. Ảnh minh họa
Trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng NHNN tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu vàng thì giá lại tăng. Do giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.
Đề cập tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng, nhưng điều tồn tại từ rất lâu là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vẫn rất cách xa. Vì vậy, rất cần có phương thức điều hành linh hoạt để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới.
“Cơ chế đấu thầu của NHNN hiện nay là đấu thầu ngược. Cứ đấu thầu lại làm giá vàng tăng bởi giá sàn được đặt sát giá thị trường. Vì thế, khi trúng thầu, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải bán ra với giá cao hơn và đương nhiên giá vàng trong nước cứ đà tăng”, ông Cường băn khoăn.
Do vậy, theo vị này, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Bên cạnh đó, về dài hạn phải sửa Nghị định 24.
Đề xuất cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng có sự giám sát
Với động thái mới đây của NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng – nhận định, thứ nhất nguyên nhân là do nguồn cung chưa đủ để đáp ứng sức cầu. Trong khi đó, NHNN là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, nhưng từ nhiều năm nay không nhập khẩu thêm vàng.
Do đó, ở nút chặn NHNN làm cho “van” cung cấp nguồn vàng bị chặn lại, chính vì thế cách giải quyết là cho phép nhà kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng dưới sự kiểm soát của NHNN.
Thứ hai, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng phải được sửa đổi. Yếu tố đầu tiên liên quan đến Nghị định này là thương hiệu vàng quốc gia SJC cần được hủy bỏ, để cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường được cạnh tranh công bằng với nhau.
Thêm vào đó là NHNN nên trao vai trò được nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng. Cuối cùng là nên thành lập sàn vàng để các giao dịch vàng được minh bạch.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam có thể giảm mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới bằng nhiều biện pháp khác, chứ không chỉ trông chờ tổ chức đấu thầu vàng.
“Nên để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới. Còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả khi cần thiết”- TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Lấy ví dụ, ông Nghĩa cho biết, tại Trung Quốc nguồn cung chính của thị trường vàng nội địa Trung Quốc đến từ việc nhập khẩu vàng, thông qua các ngân hàng được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phê duyệt. Tương tự, nguồn cung vàng chủ yếu của Ấn Độ cũng đến từ nguồn vàng nhập khẩu.
Như vậy, nếu quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì NHNN không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu SJC cho Công ty SJC trong Nghị định mới sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kiểm soát tỷ giá, đánh thuế vàng
Nói thêm về giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tại thời điểm này tỷ giá đang tăng, do đó cũng sẽ có tác động đến thị trường vàng. Vì khi nguồn cung khan hiếm, nhóm buôn lậu vàng sẽ cần lượng USD lớn để nhập vàng, tác động lên tỷ giá. Trên nguyên tắc, nếu kiểm soát được vấn đề tăng tỷ giá cũng có thể ngăn được giá vàng tăng.
Đặc biệt, ông Hiếu cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tính đến việc đánh thuế trên các giao dịch vàng. Việc đánh thuế trên vàng cũng giúp giảm sức cầu, bởi vì người mua vàng không phải chịu thuế nhưng người bán vàng sẽ tạo ra thu nhập, sẽ phải chịu thuế.
“Do đó, nếu đánh thuế vàng thì giao dịch vàng sẽ chậm lại, giúp giảm sức nóng trên thị trường vàng”, ông Hiếu nói.