Khi một quả đạn pháo của Israel bắn trúng phòng khám sản lớn nhất ở Dải Gaza hồi tháng 12, năm thùng nitơ lỏng trong đơn vị phôi học đã bị bung nắp.
Thùng chứa phôi bị thổi bay nắp trong trung tâm Al Basma. Ảnh: Reuters
Khi chất lỏng cực lạnh này bay hơi, nhiệt độ trong thùng tăng lên, phá hủy hơn 4.000 phôi cùng với 1.000 mẫu tinh trùng và trứng chưa thụ tinh được lưu trữ tại trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm IVF Al Basma của thành phố Gaza.
Vụ nổ là một ví dụ về thiệt hại nặng nề về lâu dài mà cuộc tấn công kéo dài sáu tháng của Israel gây ra cho 2,3 triệu người dân Dải Gaza.
Những phôi thai trong thùng chứa nitơ lỏng là niềm hy vọng cuối cùng của hàng trăm cặp vợ chồng Palestine đang phải đối mặt với tình trạng hiếm muộn.
Bahaeldeen Ghalayini (73 tuổi), bác sĩ sản phụ khoa được đào tạo tại Cambridge, người đã thành lập phòng khám vào năm 1997, cho biết: “Chúng tôi biết rõ rằng 5.000 mầm sống này có ý nghĩa gì đối với các cặp đôi”.
Ít nhất một nửa số cặp vợ chồng – những người không còn có thể sản xuất tinh trùng hoặc trứng để tạo ra phôi sống – sẽ không có cơ hội mang thai nữa, ông Ghalayini nói. “Trái tim tôi như tan vỡ thành hàng triệu mảnh”.
Bác sĩ Ghalayini cho biết, bất chấp sự nghèo đói ở Dải Gaza, các cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn quyết tâm theo đuổi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với mong muốn có thể sinh con. Một số người phải bán cả tivi, trang sức… để trang trải kinh phí.
Cảnh tan hoang bên ngoài trung tâm IVF Al Basma. Ảnh: Reuters
Có ít nhất 9 phòng khám ở Dải Gaza có thể thực hiện thủ thuật IVF, trong đó trứng được lấy từ buồng trứng và được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Trứng đã thụ tinh, gọi là phôi, thường được trữ đông lạnh cho đến thời điểm tối ưu để chuyển vào tử cung người phụ nữ. Hầu hết phôi đông lạnh ở Dải Gaza được lưu trữ tại trung tâm Al Basma.
Ba năm điều trị hiếm muộn là một hành trình nhiều cung bậc cảm xúc đối với Seba Jaafarawi (32 tuổi). Cô và chồng không thể mang thai tự nhiên nên phải sử dụng phương pháp IVF. Việc lấy trứng ra khỏi buồng trứng rất đau đớn, việc tiêm hormone mang lại tác dụng phụ nặng nề, và nỗi buồn khi hai lần cố gắng mang thai đều thất bại dường như không thể chịu đựng được.
Vào tháng 9, Jaafarawi “cấn bầu”, đây là lần thụ tinh ống nghiệm thành công đầu tiên của cô. “Nhưng tôi thậm chí không có thời gian để ăn mừng”.
Hai ngày trước lần siêu âm đầu tiên của Jaafarawi theo kế hoạch, phong trào Hamas đã phát động cuộc tấn công vào Israel (7/10), làm thiệt mạng 1.200 người và bắt 253 con tin, theo thống kê của Israel.
Các ống mẫu vật trong một tủ lạnh tại trung tâm Al Basma. Ảnh: Reuters
Israel sau đó tuyên bố sẽ loại bỏ Hamas và tiến hành một cuộc tấn công tổng lực khiến hơn 33.000 người Palestine thiệt mạng.
Jaafarawi lo lắng: “Làm thế nào tôi có thể hoàn thành quá trình mang thai? Điều gì sẽ xảy ra với tôi và điều gì sẽ xảy ra với đứa trẻ trong bụng tôi?”
Cuộc hẹn siêu âm của Jaafarawi không thể diễn ra và bác sĩ Ghalayini đã đóng cửa phòng khám, nơi lưu trữ thêm năm phôi của Jaafarawi.
Khi các cuộc tấn công của Israel gia tăng, Mohammed Ajjour – chuyên gia về phôi của trung tâm IVF Al Basma – bắt đầu lo lắng về mức nitơ lỏng trong năm thùng chứa phôi. Việc nạp khí nitơ phải tiến hành hằng tháng để giữ nhiệt độ dưới mức -180 độ C.
Ajjour đã cố gắng mua được một lượng nhỏ nitơ lỏng, nhưng sau đó Israel cắt điện và nhiên liệu cho Dải Gaza, nên hầu hết các nhà cung cấp đều đóng cửa.
Cuối tháng 10, xe tăng Israel tiến vào Dải Gaza và các binh sĩ được triển khai ở khu vực quanh trung tâm IVF. Việc kiểm tra các thùng chứa phôi trở nên quá nguy hiểm đối với ông Ajjour.
Cảnh đổ nát bên trong trung tâm Al Basma. Ảnh: Reuters
Jaafarawi biết cô nên nghỉ ngơi để giữ cho em bé trong bụng được an toàn, nhưng mối nguy hiểm rình rập ở khắp mọi nơi. Cô phải leo bộ lên căn hộ tầng sáu vì thang máy ngừng hoạt động. Một quả bom đã san bằng tòa nhà bên cạnh và làm nổ tung các cửa sổ trong căn hộ của cô. Thức ăn và nước uống trở nên khan hiếm. Thay vì nghỉ ngơi, cô lại lo lắng. “Tôi rất sợ hãi và có những dấu hiệu cho thấy tôi sẽ sẩy thai”, Jaafarawi bộc bạch.
“Dù bạn tưởng tượng hay tôi kể cho bạn nghe về hành trình IVF, thì chỉ những người đã trải qua mới biết nó thực sự như thế nào”, Jaafarawi nói.
Cô muốn muốn quay trở lại vùng chiến sự, lấy lại phôi đông lạnh và thử thụ tinh ống nghiệm lần nữa. Nhưng đã quá muộn.
Bác sĩ Ghalayini cho biết một quả đạn pháo của Israel đã bắn trúng trung tâm IVF, làm nổ tung phòng thí nghiệm phôi học ở tầng trệt. Ông không biết liệu cuộc tấn công có nhắm mục tiêu cụ thể vào phòng thí nghiệm hay không.
“Tất cả những mầm sống này đều đã không còn. 5.000 mầm sống trong một quả đạn”, ông nói trong cay đắng.