Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019, hiện nay vẫn có một số trường hợp được hưởng “biên chế suốt đời”. Đó là những trường hợp nào?
Ai là công chức, viên chức?
Khoản 2 Điều 4 thuộc Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 1 thuộc Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019) quy định về công chức như sau:
“ Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Trong khi đó, Điều 2 thuộc Luật Viên chức 2010 định nghĩa về viên chức như sau:
“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”.
Như vậy, công chức và viên chức có đặc điểm giống nhau là đều phải là công dân Việt Nam. Tuy nhiên công chức và viên chức khác nhau ở hình thức tuyển dụng.
Cụ thể, đối với công chức thì sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và một số cơ quan đơn vị khác.
Trong khi đó, viên chức thì được tuyển dụng theo vị trí việc làm và làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc và sẽ được hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập đó.
“Biên chế suốt đời” là cách gọi dân dã để chỉ những vị trí công việc phục vụ lâu dài, ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng các chế độ về lương, phụ cấp theo quy định.
Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 thì các viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2020 trở về đây sẽ phải ký hợp đồng xác định thời hạn. Như vậy, điều đó có nghĩa từ ngày 1-7-2020 trở lại đây, những người được tuyển dụng mới sẽ phải ký hợp đồng xác định thời hạn, tức là sẽ không còn được hưởng biên chế suốt đời.
Tuy nhiên, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 thì vẫn có một số trường hợp vẫn được hưởng “biên chế suốt đời”. Theo đó, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được áp dụng với 03 trường hợp dưới đây:
+ Trường hợp thứ nhất: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020;
+ Trường hợp thứ hai: Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
+ Trường hợp thứ ba: Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, Điều 26 thuộc Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định nội dung của hợp đồng làm việc bao gồm:
+ Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Loại hợp đồng, thời hạn và các điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
+ Tiền lương, tiền thưởng và các chế độ đãi ngộ khác (nếu có).