Trung Quốc ngừng mua thêm vàng dự trữ sau 18 tháng

Giá thế giới tăng cao năm nay có thể đã khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngần ngại, sau khi liên tiếp mua vàng từ cuối năm 2022.

Hôm 7/6, Krishan Gopaul – nhà phân tích thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trích số liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy trong tháng 5, cơ quan này không mua thêm vàng. Tổng lượng vàng dự trữ của nước này vẫn đứng tại 2.264 tấn, chấm dứt 18 tháng liên tiếp mua vào.

Tuy nhiên, giá trị số vàng này cuối tháng 5 là 170,96 tỷ USD, tăng so với 167,9 tỷ USD cuối tháng 4. PBOC là một trong những tổ chức mua vàng mạnh nhất thế giới. Năm ngoái, họ là ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất, với lượng mua ròng 7,23 triệu ounce, theo WGC.

Tổng vàng dự trữ (tấn) và tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của PBOC (%). Đồ thị: WGC

Tổng vàng dự trữ (tấn) và tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của PBOC (%). Đồ thị: WGC

Hoạt động của PBOC đã góp phần kéo giá thế giới lên kỷ lục 2.450 USD một ounce trong tháng 5. Từ đầu năm, giá đã tăng 10%.

Dù vậy, việc giá liên tiếp lập đỉnh mới trong hai tháng qua dường như đã ghìm lại nhu cầu của cơ quan này. Hồi tháng 4, cơ quan này đã giảm mua vào so với các tháng trước đó.

“Trung Quốc chưa mua xong vàng đâu. Nhưng việc dừng lại cho thấy họ đang phản ứng với viễn cảnh phải mua vàng với giá cao kỷ lục”, Ole Hansen – chiến lược gia hàng hóa tại Saxo Bank giải thích trên Reuters.

Tin tức trên phần nào khiến giá vàng thế giới giao ngay giảm hơn 80 USD phiên 7/6, xuống 2.292 USD. Đây là mức thấp nhất 2 tháng.

“Nhìn chung, giá vàng đang trong thời kỳ điều chỉnh. Tin tức này sẽ khiến quá trình điều chỉnh kéo dài thêm. Nhưng nhìn chung, triển vọng tăng giá trong dài hạn vẫn là không đổi”, Hansen cho biết.

Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng mạnh trong 2 năm qua, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và khả năng sinh lời. Động thái này đã hỗ trợ giá vàng đáng kể.

Quý I năm nay, Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng của WGC cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua số vàng kỷ lục, tổng cộng 289 tấn. Dẫn đầu là Thổ Nhĩ Kỳ (30 tấn), Trung Quốc (27 tấn) và Ấn Độ (18 tấn).