2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đang được quan tâm nhất lúc này

Giá đất nhiều địa phương tăng vọt sau khi có thông tin sáp nhập tỉnh

Thị trường đất nền tại nhiều địa phương ngày càng sôi động sau những thông tin liên quan đến việc sáp nhập tỉnh. Trong đó, lượng người quan tâm tìm kiếm đất tăng lên, kéo theo giá đất rao bán một số địa phương bị đẩy lên cao.

Theo báo cáo thị trường Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là một trong những tỉnh nằm trong các khu vực có lượng người tìm kiếm bất động sản nhiều nhất trên nền tảng này. Trong đó, huyện Văn Giang là nơi tập trung nhiều dự án quy mô lớn là nơi đất nền có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hưng Yên, cao hơn cả giá đất khu vực thành phố.

Những lô đất thuộc tuyến đường lớn, vị trí “vàng” tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), có lợi thế để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… mức giá đã tăng mạnh lên cao nhất là 150 triệu đồng/m2, trong khi mức giá rao bán cao nhất trong tháng 2/2025 là 126 triệu đồng/m2.

Cũng tại huyện này, những lô đất mặt tiền trên trục đường chính có thể kinh doanh khác đã tăng từ mức trung bình khoảng 42 triệu đồng/m2 (trong tháng 2/2025) lên 50 – 60 triệu đồng/m2.

Thông tin sáp nhập tỉnh rộ lên, giá đất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình biến động ra sao? - Ảnh 1.

Thị trường đất đai tỉnh Hưng Yên được quan tâm nhiều hơn trong quý I/2025. Ảnh: Hạnh Phúc

Không chỉ Văn Giang, đất nền tại thành phố Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới. Một số đất kinh doanh tại các tuyến đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo cũng đã tăng giá rao bán cao hơn 5 – 10% so với tháng trước đó, ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, đất đấu giá tại Hưng Yên cũng có mức trúng cao “chót vót”. Cụ thể, phiên đấu giá ngày 15/3 tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên với 2.000 hồ sơ đăng ký đấu giá và có 500 khách hàng tham gia. Kết thúc phiên, thửa trúng cao nhất được định giá 56,2 triệu đồng/m2. Các thửa có vị trí đẹp nằm xung quanh có giá trúng dao động 52 – 56 triệu đồng/m2.

Trước đó, ngày 5/3, UBND xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) tổ chức phiên đấu giá với 1.200 hồ sơ tham gia và hàng trăm người tham gia đấu giá trực tiếp. Kết thúc phiên đấu giá, mức giá trúng cao nhất lên tới hơn 158 triệu đồng/m2 (mức giá còn cao hơn nhiều nơi ở Hà Nội), mức giá trung bình thấp nhất là 66 triệu đồng/m2. Cả hai mức trúng này đều bỏ xa giá khởi điểm.

Còn tại tỉnh Thái Bình, thị trường đất nền cũng sôi động không kém. Trên các trang mạng xã hội, thông tin rao bán đất tại địa bàn tỉnh cũng xuất hiện dày đặc hơn, nhất là khi có thông tin Thái Bình là một trong 52 địa phương thuộc diện sáp nhập tỉnh.

Thông tin sáp nhập tỉnh rộ lên, giá đất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình biến động ra sao? - Ảnh 2.

Trên Facebook xuất hiện trang “Bất động sản Hưng Yên – Thái Bình” liên tục cập nhật thông tin rao bán đất tại 2 tỉnh.

Ngay trong ngày 27/3 vừa qua, đất đấu giá tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xuất hiện lô đất có diện tích 150,4m2 có giá trúng cao nhất lên đến 23 tỷ đồng, gấp 1,8 lần giá khởi điểm ban đầu (giá khởi điểm hơn 12,4 tỷ đồng). Như vậy, mức giá trúng gần 153 triệu đồng/m2 (ngang ngửa với mức giá trúng đấu giá cao nhất tại tỉnh Hưng Yên đầu tháng 3/2025).

Thông tin sáp nhập tỉnh rộ lên, giá đất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình biến động ra sao? - Ảnh 3.

Mức trúng đấu giá đất cao nhất huyện Tiền Hải (Thái Bình) ngày 27/3 lên tới 153 triệu đồng/m2, gần bằng mức trúng đấu giá đất cao nhất là 158 triệu đồng/m2 tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) từ ngày 5/3.

Chuyên gia cảnh báo về tình trạng sốt đất sau thông tin sáp nhập tỉnh

Theo một số chuyên gia bất động sản, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành không chỉ có ý nghĩa trong giảm chi phí vận hành bộ máy nhà nước hay cải cách các thủ tục hành chính, mà còn là một cuộc cách mạng về phát triển đồng bộ và rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đó, hệ quy chiếu về giá bất động sản sẽ có phạm vi rộng hơn.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, trước đây, bất động sản của các huyện ở Hưng Yên chỉ so sánh với nhau, nhưng giả sử sau khi sáp nhập tỉnh với địa phương khác thì hệ quy chiếu sẽ là tổng thể các huyện gộp lại của cả hai tỉnh. Khi đó, giá đất ở Hưng Yên sẽ có thêm hệ quy chiếu ở huyện khác tại tỉnh sáp nhập cùng để so sánh. Các hệ quy chiếu bất động sản sẽ được mở rộng ở các tỉnh mới.

Thông tin sáp nhập tỉnh rộ lên, giá đất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình biến động ra sao? - Ảnh 4.

Thị trường đất nền tỉnh Thái Bình đang nóng lên từng ngày. Ảnh: Thái Nguyễn

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản liên quan đến vị trí địa lý và tính pháp lý vì vậy kế hoạch sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện với sự thay đổi về địa giới hành chính sẽ tác động đến thị trường.

“Sáp nhập tỉnh thường kéo theo làn sóng đầu tư hạ tầng, tạo cơ hội lớn cho bất động sản. Tuy nhiên, việc sáp nhập không chỉ làm cho giá bất động sản tăng mà có thể khiến một vài khu vực giảm hoặc giữ giá. Sự di chuyển dân số sẽ khiến khu vực trung tâm đắt hơn nhưng mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào quy hoạch và đầu tư hạ tầng”, ông Điệp cho biết.

Ông Điệp cũng đưa ra ví dụ, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, trước đó, giá đất tại thị xã Hà Đông chỉ khoảng 12 – 15 triệu đồng/m2, nhưng sau đó, với sự phát triển của các tuyến đường như Lê Văn Lương kéo dài và metro Cát Linh – Hà Đông…, giá đã tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng bứt phá như Hà Đông. Tại một số khu vực như huyện Chương Mỹ giá đất chỉ tăng nhẹ rồi chững lại.

“Nhà đầu tư khi tham gia thị trường phải nắm bắt thông tin về mặt vĩ mô, chính trị, kinh tế. Đặc biệt, theo dõi sát thông tin quy hoạch từ cơ quan Nhà nước để đưa ra những quyết định không rủi ro, không nên đầu tư dựa trên tin đồn”, ông Điệp nhấn mạnh.

Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh của Batdongsan.com.vn, giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập tỉnh mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương.

“Người mua và nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro về quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập diễn ra chậm hơn dự kiến; nguy cơ mua vào với giá cao hơn giá trị thực, đặc biệt tại các khu vực tăng nóng. Sáp nhập tỉnh là cơ hội lớn, nhưng cần tỉnh táo mua đúng nơi, đúng thời điểm, tránh chạy theo tâm lý đám đông”, ông Tuấn nhấn mạnh.