(Dân trí) – Hai cuộc thi Miss Grand Vietnam và Hoa hậu Du lịch Việt Nam cùng diễn ra vào tối 3/8, tạo ra 2 hoa hậu, 6 á hậu nhưng lại gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Tối 3/8, chung kết Miss Grand Vietnam 2024 diễn ra tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) với danh hiệu hoa hậu thuộc về Võ Lê Quế Anh (SN 2001, quê Quảng Nam). Cuộc thi cũng trao 4 danh hiệu á hậu lần lượt cho các thí sinh: Lê Phan Hạnh Nguyên, Vũ Thị Thu Hiền, Lâm Thị Bích Tuyền và Phạm Thị Ánh Vương.
Cũng trong tối 3/8, chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam diễn ra tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Kết quả, Phạm Thị Ngọc Quỳnh (SN 1998, quê Hải Dương) đăng quang ngôi vị cao nhất. Danh hiệu á hậu 1 và á hậu 2 của cuộc thi lần lượt thuộc về Huỳnh Kim Anh và Lê Thị Ánh Tuyết.
Việc trong cùng một đêm có đến 2 tân hoa hậu và 6 á hậu nhận về nhiều ý kiến tranh luận từ khán giả.
Dân mạng cho rằng Việt Nam hiện có quá nhiều cuộc thi nhan sắc khiến họ khó nhớ nổi tên cuộc thi lẫn các hoa hậu, á hậu đăng quang. Tình trạng thi nhan sắc tràn lan cũng khiến danh xưng hoa hậu và giá trị vương miện bị giảm giá trị. Một khán giả cảm thán trên Facebook: “Ra ngõ gặp hoa hậu là có thật?”.
Một số ý kiến khác trên mạng xã hội: “Một cuộc thi có tới 4 á hậu, ai cũng có danh hiệu, vui cả làng”; “Việt Nam có thêm 2 hoa hậu, 6 á hậu cùng lúc, giờ chắc nhà nào cũng có hoa hậu”; “Tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc nhưng chất lượng ngày càng đi xuống”; “Sau khi các cuộc thi khép lại, các hoa hậu, á hậu này sẽ làm gì, có mang lại đóng góp gì cho cộng đồng, xã hội?”…
Khán giả cho rằng hoa hậu phải là người xuất sắc về ngoại hình, tài năng và nhân cách. Song, các cuộc thi hoa hậu gần đây thường xuyên vướng ồn ào về chất lượng thí sinh.
Tại chung kết Miss Grand Vietnam tối 3/8, một số người đẹp có màn thuyết trình, ứng xử lan man, lạc đề. Danh hiệu hoa hậu của Võ Lê Quế Anh cũng bị cho là không thuyết phục, vướng nghi vấn là “gà nhà” của Ban Tổ chức.
Trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ có 1-2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được tổ chức, nhưng từ năm 2022 đến nay, trung bình có tới 20 cuộc thi nhan sắc diễn ra hằng năm. Bên cạnh các danh hiệu chính, mỗi cuộc thi còn trao nhiều giải phụ cho các thí sinh, tạo nên tình trạng “bội thực người đẹp”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông bầu Phúc Nguyễn – người gắn bó với nhiều cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam – cho biết thực trạng tràn lan, chồng chéo các cuộc thi sắc đẹp là “nỗi nhức nhối” với người trong nghề.
“Trước đây, danh hiệu hoa hậu là điều rất cao quý, là niềm tự hào và là ước mơ của nhiều cô gái trẻ. Hiện tại, cụm từ hoa hậu đang trở nên quá dễ dãi. Các cuộc thi ào ạt tổ chức, vàng thau lẫn lộn, không cần yêu cầu chuyên môn hay điều kiện khắt khe như trước”, ông Phúc Nguyễn cho hay.
Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương cũng từng chia sẻ quan điểm với phóng viên Dân trí về tình trạng “lạm phát hoa hậu” ở Việt Nam: “Ở cương vị là một khán giả theo dõi, tôi cảm thấy khá “rối”, hoang mang trước sự mọc lên ồ ạt của nhiều cuộc thi nhan sắc. Điều này cũng khiến tôi khá chạnh lòng. Vì bây giờ các bạn có nhiều ê-kíp giỏi, có nhiều sân chơi để tỏa sáng.
Thời của tôi, để tham gia một cuộc thi và đạt danh hiệu hoa hậu là rất khó. Cuộc thi tôi từng tham gia là Hoa hậu Thế giới người Việt, một trong số những cuộc thi hiếm hoi đạt cấp quốc gia thời đó.
Ngày xưa, tên gọi, danh xưng hoa hậu rất nghiêm ngặt, khó khăn. Còn bây giờ, nhiều cuộc thi ra đời, trùng lặp nhau gây nhầm lẫn. Tôi đặt câu hỏi rằng việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu có đang dễ dãi quá không? Ngay cả giới truyền thông, báo chí cũng bị “loạn” vì quá nhiều cuộc thi, thì khán giả như tôi làm sao nhớ hết được?”.
Bà Đặng Thanh Hằng – nhiều năm làm cố vấn cho các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam – cũng cho rằng các cuộc thi nên có sự chọn lọc để đảm bảo chất lượng. Khi những cuộc thi nhan sắc diễn ra ồ ạt, “bát nháo” thì mục đích tìm kiếm chủ nhân vương miện cũng sẽ dễ bị “thương mại hóa” thay vì đề cao tính nhân văn như trước.
Nhà báo Ngô Bá Lục – giám khảo của nhiều cuộc thi sắc đẹp – thì cho rằng những cuộc thi có chất lượng, danh giá sẽ tồn tại, còn các cuộc thi kém chất lượng sẽ nhanh chóng bị đào thải.