“Trường tiểu học Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương không phải đóng tiền gì hết ngoài 99.000 đồng tiền vệ sinh cho 1 năm học. Thầy hiệu trưởng dẹp luôn quỹ lớp nên phụ huynh không phải bàn tán gì hết, rất khỏe”.
Phụ huynh đón con tan trường trưa 3-10 tại Trường tiểu học Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương – Ảnh: BÁ SƠN
Từ thông tin này, trưa 3-10 phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đến Trường tiểu học Hòa Phú. Đây là ngôi trường tại thành phố mới Bình Dương, liền kề các khu công nghiệp lớn như VSIP 2, Đồng An 2… nên phần lớn học sinh là con em của công nhân, người lao động.
Giảm gánh nặng cho phụ huynh
Ông Hồ Văn Minh (quê Bạc Liêu) có con đang học lớp 4 tại trường cho biết ngoài 99.000 đồng tiền vệ sinh, khi nhập học phụ huynh không phải đóng thêm tiền quỹ. Khi họp phụ huynh, nhà trường thông báo rõ giáo viên không thu thêm bất cứ khoản tiền nào khác.
Ông Minh nói thêm trong năm học nếu có các hoạt động như liên hoan giữa học kỳ hoặc cuối năm, phụ huynh có thể bỏ ra 30.000 – 50.000 đồng mua quà bánh cho con em mình.
Tương tự, để có quỹ khen thưởng cho các em học giỏi, hội khuyến học có vận động đóng 12.000 đồng. Do là tự nguyện nên ông rất đồng tình.
“Nhà trường không thu quỹ phụ huynh. Nếu có hoạt động cần thiết thì phụ huynh tự nguyện ủng hộ, nếu không đóng cũng không sao. Nếu ai có điều kiện tốt hơn thì có thể hỗ trợ thêm cho lớp nhưng không bắt buộc” – ông Minh cho biết.
Bà Phạm Thị Nhiệm (37 tuổi, quê Thanh Hóa) có hai con đang học lớp 1 và lớp 5 tại Trường tiểu học Hòa Phú.
Bà Nhiệm cho biết việc trường không thu thêm bất cứ loại quỹ nào vào đầu năm học đã giảm gánh nặng cho các gia đình. Về số tiền vệ sinh trường lớp 99.000 đồng/năm, tương đương 11.000 đồng/tháng, nhiều phụ huynh cho rằng rất hợp lý.
“Nếu chia ra thì mỗi ngày chỉ bỏ ra chưa đến 500 đồng để các cháu được học, sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ thì cũng rất hợp lý” – một phụ huynh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc thu phí vệ sinh 11.000 đồng/tháng nói trên là đúng theo mức phí đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua, và được áp dụng cho tất cả cơ sở giáo dục trong địa bàn toàn tỉnh.
Giáo viên đồng tình
Ông Văn Khoa (quê Nghệ An) là hội trưởng hội phụ huynh lớp 5 tại Trường tiểu học Hòa Phú. Ông Khoa cho biết những năm trở lại đây trường đều không thu quỹ phụ huynh, dù có phụ huynh muốn đóng quỹ.
Vì vậy, dù là hội trưởng hội phụ huynh nhưng ông Khoa nói ông “rất khỏe vì phụ huynh không phải bàn tán gì hết”.
Một nữ giáo viên tại Trường tiểu học Hòa Phú chia sẻ phụ huynh không đóng tiền quỹ lớp nhưng giáo viên chủ nhiệm cũng không gặp bất kỳ khó khăn gì trong việc giảng dạy.
“Bài tập yêu cầu về nhà đã có trong sách. Cuối kỳ có bài ôn và đề ôn, giáo viên sẽ soạn sẵn và cung cấp thông tin. Phụ huynh nếu có nhu cầu sẽ tự ra cửa hàng photocopy in và thanh toán tiền” – cô giáo nói.
Ông Nguyễn Văn Công – hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú – cho biết ngoài khoản tiền vệ sinh thu đúng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thì nhà trường không thu thêm bất kỳ phí gì của phụ huynh đầu năm. Nhà trường chỉ vận động phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho học sinh để đảm bảo quyền lợi cho các em khi có đau ốm.
“Hằng năm cấp trên đều có hỗ trợ trường khoảng 90 triệu đồng để sửa chữa. Nếu các thiết bị như điện, quạt hư sẽ dùng kinh phí đó để thực hiện. Nếu cần sửa chữa lớn hơn như lát gạch, sơn tường… thì sẽ báo cáo cấp trên để có phương án, không vận động phụ huynh đóng góp” – thầy Công cho biết.
“Rất nhẹ đầu”
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số thành phố, huyện khác tại Bình Dương phụ huynh cũng không phải đóng quỹ lớp.
Bà Lê Thị Hòa (làm nội trợ, có con học Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường An Phú, TP Thuận An) cho biết có con gái đi học nhưng đầu năm học cũng “rất nhẹ đầu”.
“Ngoài tiền học phí, tiền vệ sinh, bảo hiểm xã hội cho con thì thầy cô không thu thêm các khoản khác. Vừa rồi phụ huynh có thống nhất góp 200.000 đồng để chuẩn bị tài liệu trong cả năm học cho con vì nếu mỗi lần photo tài liệu sẽ lắt nhắt.
Phụ huynh và cô giáo thống nhất đến cuối năm số tiền còn dư sẽ trả lại phụ huynh hoặc mua vở tặng học sinh giỏi của lớp. Nội dung này là tự nguyện và hợp lý nên khi đưa ra tại cuộc họp phụ huynh tất cả đều đồng ý” – bà Hòa nói.
“Không bắt buộc, không cào bằng”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng GD-ĐT TP Thủ Dầu Một cho biết việc các trường không thu quỹ phụ huynh là thực hiện đúng theo thông tư của Bộ GD-ĐT. Về các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh thì phải đảm bảo tiêu chí là “không bắt buộc” và “không cào bằng”.
Nghĩa là không được ấn định mức thu lên từng trường hợp, mà phụ huynh tự nguyện tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình để ủng hộ nhiều, ít hoặc không.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết ngay từ đầu năm học đã hướng dẫn tới các trường về các khoản thu, trong đó có hướng dẫn rõ là không được thu tiền của phụ huynh vào các việc như sửa chữa, cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo viên, bảo vệ…
Phụ huynh có thể tự nguyện góp kinh phí nhưng chỉ để chăm lo trực tiếp cho học sinh. Ví dụ như dịp Tết Trung thu, với các học sinh mầm non, tiểu học… thì ban đại diện phụ huynh có thể thuê đội múa lân về cho các em vui chơi, trực tiếp chăm lo quyền lợi của các em.
Năm học 2024-2025, Bình Dương cũng không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với các phụ huynh.