Người dân Quỳnh Đôi không đồng tình ghép tên với xã Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu sau khi sáp nhập vì cho rằng xã có bề dày lịch sử, quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến điều chỉnh tên gọi của 7 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, huyện Quỳnh Lưu đề xuất ghép tên hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành tên xã mới Đôi Hậu.
Sau khi đưa ra phương án trên, huyện nhận được nhiều phản hồi không đồng tình của người dân. “Một nửa muốn giữ lại tên gọi Quỳnh Đôi, số còn lại cho rằng tên gọi mới Đôi Hậu nghe kỳ kỳ”, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh nói. Trên các diễn đàn, người dân cũng tranh luận về tên gọi mới này.
Theo ông Dinh, ban đầu huyện đưa phương án giữ lại tên của một trong hai xã sáp nhập nhằm giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên giấy tờ cá nhân. Tuy nhiên, người xã nào cũng muốn giữ tên gọi xã mình. Quỳnh Đôi là vùng đất nổi tiếng khoa bảng, nhiều người thành đạt và là quê nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Huyện đã chọn phương án giữ tên này, nhưng phía Quỳnh Hậu phản đối, cho rằng xã mình diện tích lớn, đông dân hơn, không thể lép vế nên đề nghị “phải giữ chữ Hậu, đứng trước hay sau thì tùy huyện sắp xếp”.
“Tranh cãi nổ ra rất căng thẳng, chúng tôi cũng rất đau đầu. Ban đầu để phương án Hậu Đôi nhưng sau chuyển thành Đôi Hậu. Khi ban hành dự thảo, phía Quỳnh Hậu không phản ứng nhiều với tên xã mới, song người dân Quỳnh Đôi ở khắp mọi miền không muốn ghép tên, muốn giữ tên cũ”, ông Dinh nói.
Lãnh đạo xã Quỳnh Đôi lập luận nếu giữ tên Quỳnh Đôi sau sáp nhập thì người dân Quỳnh Hậu cũng có lợi. Bởi khi nhắc đến quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương, không chỉ người dân trong tỉnh mà khắp cả nước cũng biết đến.
“Quỳnh Đôi là tên làng, cũng chính là tên xã. Địa danh này đã có trên 600 năm, có bề dày văn hóa, nếu không còn nữa thì nhiều người cũng trăn trở. Xã sẽ kiên trì giữ lại tên sau sáp nhập”, lãnh đạo xã Quỳnh Đôi nói.
Trong khi đó, ông Trần Đức Hữu, Chủ tịch xã Quỳnh Hậu, cho hay người dân xã mình không đồng tình phương án ban đầu của huyện chọn tên xã mới Quỳnh Đôi vì như thế là thiếu công bằng. Quỳnh Hậu cũng có truyền thống lịch sử “không thua xã bạn, nếu không thể giữ thì tên mới cũng phải gợi nhớ đến xã cũ”.
“Tuy nhiên, ghép tên hai xã thành Đôi Hậu nếu suy luận sâu xa thì cũng không đẹp, tối nghĩa. Sắp tới lãnh đạo hai xã sẽ họp bàn, lấy ý kiến người dân để tìm một tên ý nghĩa, phù hợp lịch sử văn hóa rồi đưa ra bỏ phiếu”, ông Hữu nói.
Dự kiến đầu tháng 5, hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu tổ chức cho người dân bỏ phiếu sau khi huyện chọn một tên phù hợp đơn vị hành chính mới. Huyện dự kiến lập tổ công tác vận động, thuyết phục người dân chấp thuận phương án giữ lại tên Quỳnh Đôi.
“Nếu hai xã đồng thuận tên này thì quá tốt. Nếu không đồng tình, huyện sẽ xin ý kiến tỉnh tìm một tên gọi mới trước ngày trưng cầu ý kiến người dân”, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu nói.
Xã Quỳnh Đôi diện tích 4,15 km2, dân số 5.590, có lịch sử hơn 600 năm với nhiều địa danh văn hóa, lịch sử như làng Quỳnh Đôi, làng Cá Gỗ. Đây cũng là quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương (sinh khoảng cuối thế kỷ 18, đầu 19), được mệnh danh “Bà chúa thơ Nôm”, với nhiều tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm nổi tiếng như: Bánh trôi nước, Vịnh cái quạt, Lời mời trầu...
Xã Quỳnh Hậu diện tích 5,68 km2, dân số 8.916, lịch sử gần 400 năm, có hai vị thành hoàng làng được vua Lê Đại Hành sắc phong. Xã có di chỉ khảo cổ Đền Đồi cùng nhiều lễ hội truyền thống như hát ghẹo, tuồng chèo.
Huyện Quỳnh Lưu có 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập thành 7 xã mới. Một số tranh luận cũng diễn ra khi dự thảo sắp xếp đơn vị hành chính đưa phương án ghép tên xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành tên xã mới Hoa Mỹ. Nhà chức trách dự kiến giao hai xã vận động người dân đồng thuận tên này, nếu không sẽ xem xét bỏ phiếu.
Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An dự kiến sáp nhập một huyện và 89 xã.