Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh,…

Sáng 5-12, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của BCH TW Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; việc tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản của Trung ương và quá trình triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn Phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương cùng dự buổi làm việc.

Nhiều gam màu sáng về tăng trưởng

Báo cáo với Tổng Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của BCH TW Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, ước hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra.

Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, thuộc top đầu cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp; khai thác hiệu quả được nhiều tiềm năng thế mạnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

 

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Dịch vụ, du lịch phục hồi, lượng du khách đến tỉnh tăng mạnh, đến cuối năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực.

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể, huy động nguồn lực đầu tư đạt kết quả tích cực. Trong vòng 10 năm qua thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,34% xuống còn 2,69%.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, địa phương luôn bám sát các văn bản của Trung ương, tập trung lãnh đạo quyết liệt, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng từ khâu tổ chức học tập, quán triệt, ban hành kế hoạch thực hiện đến việc chủ động chuẩn bị các điều kiện về văn kiện, nhân sự từ tỉnh đến cơ sở…

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Nỷ

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Nỷ

Riêng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25-1-2009, xác định quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Tổng diện tích quy hoạch xây dựng nhà máy là 1.642,22 ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người/1.100 hộ.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết ngày 26-11-2016, Quốc hội dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dẫn đến làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 2 xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải, vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống, sản xuất.

Sau đó, để hỗ trợ đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.

Thôn Vĩnh Trường, vị trí dự kiến triển khai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Hợp Phố

Thôn Vĩnh Trường, vị trí dự kiến triển khai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Hợp Phố

Qua 5 năm thực hiện, từ hỗ trợ của Trung ương và địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông ven biển, hạ tầng đô thị, thủy lợi, hạ tầng để phục vụ hỗ trợ khôi phục sản xuất, đời sống nhân dân vùng dự án.

Để dự án điện hạt nhân nhanh chóng triển khai, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân; điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các Quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân để có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.

Sau khi có chủ trương tái khởi động nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đã tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ hơn và đông đảo người dân ủng hộ, đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.

Lựa chọn những công nghệ tốt nhất

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua. Trong vòng 10 năm qua thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,34% xuống còn 2,69%. Đó là minh chứng cho sự vượt lên khó khăn, biết khai thác những tiềm năng của Ninh Thuận.

Ninh Thuận ngày nay không chỉ là điểm đến hấp dẫn, mà còn là lời nhắc nhở rằng sự quyết tâm, bền bỉ và sáng tạo có thể biến những thách thức thành cơ hội, mở ra con đường phát triển bền vững và đầy hy vọng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vừa qua Trung ương, Quốc hội đã thống nhất tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng dự án. Đây là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.

Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26.

Tổng Bí thư mong muốn, người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để phát triển dự án năng lượng phục vụ sự phát triển cho cả nước, chắc chắn sẽ phải được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển.

Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.

Về một số vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng ở Ninh Thuận.

Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối Đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng với đó là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tỉnh phải quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời, Ninh Thuận cần tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, gắn với làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tổng Bí thư yêu cầu bám sát Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp cấp trên, chuẩn bị thật tốt các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; trọng tâm là công tác nhân sự phục vụ Đại hội đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu; văn kiện Đại hội khách quan, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi, thể hiện ý chí khát vọng vươn lên, vững tin bước vào Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã tới dâng hương dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Ninh Thuận.