Mưa bão số 4 đã gây ra 77 điểm chia cắt tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, quốc lộ 12A, 9B và một số tuyến đường của tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu, gây gián đoạn giao thông. Tại một số bản làng, người dân không thể đi lại do nước dâng cao.
Tại tỉnh Quảng Trị, một nhà dân ở huyện Gio Linh bị tốc mái do lốc xoáy, tuyến đường Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh lộ bị sạt lở. Khu vực huyện Vĩnh Linh bị mất điện do hệ thống lưới điện bị hư hại.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của trận lốc xoáy vào sáng 18/9, khiến một người bị thương và 12 hộ dân bị tốc mái nhà. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở và bảo đảm an toàn cho người dân.
Còn tại TP Đà Nẵng, 25 cây xanh bị ngã đổ và một điểm sạt lở tường rào đã được cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Các địa phương di dời dân ra khỏi khu vực ngập lụt, có nguy cơ lũ quét
Để chủ động ứng phó với bão số 4, lực lượng chức năng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tiến hành vận động và hỗ trợ di dời nhiều hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Khoảng 11 giờ ngày 19/9, một khối lượng đất lớn bị sạt, đổ tràn vào nhà 1 hộ dân tại thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình làm rạn nứt nhà bếp, may mắn không thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đã đưa cả gia đình này đến nơi an toàn.
Trước đó, để ứng phó với bão số 4, tỉnh Quảng Bình cũng đã sơ tán 852 hộ dân với gần 3.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển.
Tỉnh Quảng Bình phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.
Chiều 19/9, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, qua nắm bắt tình hình, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo Công an huyện Hướng Hóa, Công an các xã Húc và Hướng Lập phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn, di dời khẩn cấp 84 hộ dân ở 2 xã nói trên đến nơi an toàn do có nguy cơ bị sạt lở núi.
Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán hơn 1.000 hộ dân với gần 3000 người đến nơi an toàn. Do ảnh hưởng mưa lớn của bão số 4, tại huyện miền núi Đakrông, nước sông Đakrông dâng cao khiến các cầu tràn trên Quốc lộ 15D, cầu tràn đường liên xã Tà Rụt- A Vao bị ngập, dẫn đến các thôn trên địa bàn xã bị chia cắt cục bộ.
Tại Thừa Thiên Huế, trước ảnh hưởng của mưa bão, để chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong sáng 19/9, Công an các xã: Lộc Điền, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Bình (cùng huyện Phú Lộc), phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà từng hộ dân ở gần khu vực đồi núi để đưa lệnh di dời.
Trưa cùng ngày, hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi: Nam Đông và A Lưới đã được di dời đến nơi an toàn. Hiện Thừa Thiên Huế đã di dời được 283 hộ dân với gần 500 người đến nơi an toàn.
Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ
Bão số 4 đã suy yếu nhưng hoàn lưu sau bão được dự báo sẽ gây mưa lớn diện rộng tại các tỉnh miền Trung, chính vì vậy, chiều nay, 19/9, Bộ Công an đã ban hành Công điện số 17 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ.
– Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của bão và mưa lũ để triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của bão tại địa phương, quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”; chủ động xử lý triệt để, kể cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân, Nhà nước, nhất là đối với các đô thị, vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc, vùng hạ du của xả lũ, các địa bàn bị nguy cơ hồ, đập. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.
– Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, không để tội phạm lợi dụng bão, mưa lũ để đưa tin sai sự thật, xuyên tạc về chủ trương, chính sách, tổ chức triển khai phòng, chống bão, mưa lũ và tuyệt đối không để lợi dụng tình hình nhằm hoạt động phạm tội tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến.
– Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương: Rà soát, kiểm tra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người dân; Tổ chức hướng dẫn các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để ứng phó; đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển; Bảo đảm an toàn hồ đập, thủy điện, đê điều, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia; Hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ
– Các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ. Giao Cục Truyền thông CAND tăng cường phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền thông Trung ương, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân