Thanh tra ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây.

Quyết định này vừa được Ngân hàng nhà nước công bố chiều tối 17/5.

Nội dung thanh tra gồm việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, cùng việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra 45 ngày, với phạm vi từ đầu năm 2020 đến ngày 15/5/2024. “Khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên”, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.

Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Trước đó, đầu tuần này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tham gia Đoàn liên ngành thanh tra thị trường vàng.

Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Think Future Consultancy cho rằng các biện pháp hành chính, như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá sẽ mang tới hiệu quả tức thì để bình ổn thị trường vàng, thay vì hy sinh ngoại tệ nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.

Vàng nữ trang được bày bán tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Vàng nữ trang được bày bán tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, chênh lệch với giá thế giới nới rộng dù cơ quan quản lý tiến hành đấu thầu tăng cung. Cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lập đỉnh 92 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay.

Sau các chỉ đạo từ cơ quan quản lý, giá vàng miếng SJC hạ nhiệt, lùi về ngưỡng 90 triệu đồng nhưng chênh lệch với thế giới vẫn ở mức cao, quanh ngưỡng 17 triệu đồng một lượng.

Cơ quan quản lý cho rằng, vàng không phải mặt hàng bình ổn giá, do đó Nhà nước không can thiệp, bảo hộ, kiểm soát giá. Ngân hàng Nhà nước chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng chứ không độc quyền kinh doanh mặt hàng này.

Tuy nhiên, vàng miếng là loại sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Nhu cầu mua bán, trao đổi vàng miếng của người dân là chính đáng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường, “tạo sân chơi bình đẳng” cho các chủ thể. Cơ quan quản lý cũng cần xử lý nghiêm các vi phạm như đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung. Từ 19/4 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).

Tuần tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức hai phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21 và 23/5. Ngoài ra, cơ quan này sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai các giải pháp tổng thể nhằm xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.

Về lâu dài, các đề xuất nêu nhà chức trách cần sửa Nghị định 24/2012 theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chuyển sang quản lý vàng miếng là vàng chất lượng 9999. Còn vàng trang sức sẽ coi là hàng hóa bình thường.