Các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy là xử lý con người, lựa chọn nhân sự mới khi sáp nhập, tinh giản biên chế nhưng phải chọn được người giỏi ở lại hệ thống.
Thách thức lớn nhất là chọn đúng người có năng lực
Nêu ý kiến tại tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ phải đối diện nhiều thách thức. Đầu tiên là tâm lý bảo thủ, ngại thay đổi, nhất là trước những thay đổi có tính chất cách mạng như tinh gọn bộ máy.
Ông Dũng nhìn nhận, sắp xếp, tổ chức bộ máy, thực chất là sắp xếp lại lợi ích, phân chia quyền lực. Chẳng hạn, việc sáp nhập Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Trước đây, Bộ KH-ĐT nắm giữ quyền lực phân bổ đầu tư công, giờ về với Bộ Tài chính thì “chưa biết thế nào”.
“Rõ ràng có câu chuyện phân bổ quyền lực, không chỉ là sắp xếp. Chuyện phân bổ quyền lực xưa nay ghê gớm lắm, không phải là vấn đề đơn giản. Đó cũng là thách thức”, ông Dũng nêu, đồng thời cho rằng một thách thức khác cần được nhìn nhận là xác định chức năng thế nào để lắp vào bộ máy thì có thể vận hành. Vì nếu không rõ thì có thể không trùng khớp, nơi thừa chức năng, nơi lại không có.
Theo ông Dũng, bộ máy hiện nay chưa phân định giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. “Thành thử ông bộ trưởng của mình bận trên trời dưới đất vì vừa làm chính khách vừa phải điều hành. Ông bộ trưởng người ta cuối tuần có thể đi chơi golf bởi vì ông ta chỉ hoạch định chính sách và giám sát chính sách ấy có đạt được mục tiêu không, còn điều hành là của ông quốc vụ khanh – người điều hành bộ máy công vụ”, ông Dũng phân tích.
Do đó, nếu bộ trưởng của bộ nhập từ hai bộ KH-ĐT và Tài chính mà không phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa giữa cơ quan tham mưu và cơ quan nắm giữ quyền lực công thì “áp lực cho ông bộ trưởng khủng khiếp luôn”.
Một thách thức khác, theo ông Dũng, là làm sao để chọn được đúng người có năng lực ở lại hệ thống khi tinh gọn bộ máy. Nếu không có quy trình đo đếm, đánh giá khách quan minh bạch, lấy phiếu tín nhiệm để chọn thì chỉ những người có kỹ năng chính trị ở lại. Những người có chuyên môn, kỹ năng điều hành, kỹ năng quyết liệt để thúc đẩy công việc trật ra bên ngoài hết.
“Đụng chạm” 20 bộ trưởng, 80 – 100 thứ trưởng
TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, cũng cho rằng, thách thức và cũng là cản trở lớn nhất với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là ở con người – đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc này đã nói từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa giải quyết một cách căn bản để nâng tầm, chất lượng đội ngũ cán bộ lên.
“Chúng ta nhập lại mà không làm tốt việc này hơn thì tôi nghĩ là cái chúng ta mong muốn, mục đích là tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả khó đạt được”, ông Hòa nêu rõ.
TS Đinh Duy Hòa phân tích, chẳng hạn 2 bộ hay 2 sở nhập lại, đương nhiên phải chọn một người đứng đầu. Phương án 1 là 2 ông bộ trưởng đang tồn tại thì chọn 1 trong 2 ông. Phương án 2, cả hai ông vì nhiều lý do, không thể là bộ trưởng mới được thì bây giờ phải chọn một người mới. Văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ nói có thể là người bên trong cơ quan hoặc bên ngoài, có thể nơi khác.
Vấn đề là chọn ông bộ trưởng mới thế nào? Theo ông Hòa, vấn đề cán bộ, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị đã có tiêu chuẩn, điều kiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, năng lực hoạch định thể chế, chính sách phải được ưu tiên hàng đầu.
“Chúng ta hình dung, các bộ mới nhập lại rất nhiều ngành, lĩnh vực. Trước NN-PTNT đã đa ngành đa lĩnh vực, giờ lại nhập về TN-MT lại càng nhiều ngành lĩnh vực hơn. Bây giờ chọn 1 bộ trưởng am hiểu tất cả lĩnh vực là không thể, mà nên nhìn vào năng lực hoạch định chính sách”, ông Hòa phân tích, cho rằng từ thực tiễn mấy chục năm qua, nếu hoạch định chính sách không ổn thì tác động rất lớn.
Nhưng khó khăn không chỉ ở việc lựa chọn bộ trưởng. Theo TS Hòa, các bộ sáp nhập thì cán bộ sẽ dôi ra nhiều. Hai bộ nhập lại, mỗi bộ 5 thứ trưởng, tổng cộng 10 thứ trưởng. Bộ mới thì tối đa cũng chỉ 5 thứ trưởng. Thời gian đầu có thể có 7 – 8 thứ trưởng. Rồi xuống dưới là các cục trưởng, vụ trưởng…
“Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 – 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước. Vậy sắp xếp thế nào, cũng là đụng chạm quyền lợi rất lớn”, ông Hòa nêu, và đề nghị cần có chính sách rõ ràng với từng đối tượng.