Rằm tháng 7 cúng Vu Lan báo hiếu tổ tiên cha mẹ nên cúng chay hay cúng mặn, nên đốt vàng mã hay không?

Rằm tháng 7 rất nhiều địa phương có tập tục cúng tổ tiên linh đình nhưng điều đó nên được nhìn nhận thế nào cho phù hợp?

Tháng 7 ở nhiều nơi có tục cúng lễ ông bà tổ tiên. Nhiều gia đình con cháu đi xa cung tề tựu quây quần để đốt mã cho ông bà tổ tiên, để làm mâm cơm linh đình sum họp. Nhiều người cho rằng tháng 7 là tháng Diêm Vương mở cửa mả xá tội vong nhân nên đốt nhiều vàng mã, cúng lễ linh đình thì người thân đã khuất sẽ nhận được nhiều hơn.

Tháng 7 Vu Lan được cho là tháng báo hiếu nên nhiều người có cha mẹ đã khuất cũng nghĩ rằng cần cúng cấp báo hiếu cha mẹ càng nhiều càng tốt.

Thế nên nhiều địa phương, cứ đến dịp rằm tháng 7 thì nhiều nhà đốt rất nhiều vàng mã và làm mâm cúng mặn rất linh đình gồm nhiều món ngon để dâng lên ban thờ gia tiên, đốt vàng mã khói nghi ngút, lửa bùng bùng cháy.

Giáo hội Phật giáo khuyến cáo không đốt vàng mã

Đốt vàng mã là tập tục dân gian và lâu dần bị mất ý nghĩa ban đầu trở thành mê tín. Vàng mã, tiền giấy xuất phát từ việc “giải cứu” người xưa phải chia của cải tài sản cho người chết, trong khi cuộc sống vốn nghèo khó. Thế nên người nghĩ ra tiền giấy vàng mã hồi đó mục đích là để giảm gánh nặng cho những người có người thân chết với tập tục cổ hủ ngày ấy. Nhưng dần dần những người làm tiền giấy vàng mã xa xưa đã có những chiêu trò khiến người ta tin việc đốt vàng mã càng nhiều càng tốt. Điển hình dân gian lưu truyền lại câu chuyện Vương Luân đã tìm cách phục hồi bằng lối lừa gạt người dân tin vàng mã. Vương Luân cho người giả chết nằm trong quan tài có lỗ thông hơi, cho đốt vàng mã thật nhiều, sau đó người chết sống lại trong khi người dân tới viếng…

Ngày nay giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần ra thông bạch lưu ý việc không đốt vàng mã vì đó không phải tinh thần Phật giáo và điều đó còn gây nguy hiểm, gây tăng nguy cơ hỏa hoạn cháy nổ. Theo thuyết nhà Phật việc đốt vàng mã cũng không có lợi gì cho người đã khuất. Để hồi hướng công đức cho bậc sinh thành, cả khi còn sống hay khi đã khuất thì con cháu nên làm nhiều việc tốt, tích đức, sống thiện lành để hồi hướng công đức cho cha mẹ, người thân, khi họ còn sống thì chăm sóc chu đáo, gia đình tình cảm hòa thuận yêu thương giúp đỡ.

Cúng chay hay cúng mặn?

Việc cúng chay hay mặn tùy thuộc vào địa phương. Lễ chay hay mặn không quan trọng bằng lòng thành của con cháu. Lễ cúng xong thì con cháu thụ hưởng. Thế nên không nên cho rằng phải cúng linh đình thì mới là được ông bà tổ tiên phù hộ. Việc cúng lãng phí còn không tốt cho cuộc sống của mọi người.

Mâm cúng chay hay mặn tùy gia đình địa phương nhưng không nên lãng phí
Dân gian thì tin rằng tháng 7 nên cúng chay để thanh tịnh hơn, để người sống sửa soạn tâm hồn thanh tịnh, để người khuất không còn tham sân si mà thanh tịnh hơn để giải trừ nghiệp quả.

Tuy nhiên nhiều địa phương không có thói quen dùng lễ chay, ăn chay nên việc cúng đồ mặn cũng không sao, nhưng nên tránh làm lễ cúng linh đình lãng phí, tránh lý do cúng ông bà tổ tiên mà nhậu nhẹt say sưa, ăn uống triền miên.

*Thông tin tham khảo chiêm nghiệm

Theo:
giaitri.thoibaovhnt.com.vn
Link bài gốc
https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/ram-thang-7-cung-vu-lan-bao-hieu-to-tien-cha-me-nen-cung-chay-hay-cung-man-nen-dot-vang-ma-hay-khong-841564.html
Tác giả:An Nhiên