Có một điều người lớn không chịu hiểu là bao nhiêu nguyên tắc, ứng xử khôn ngoan, bao lý lẽ đanh thép của họ chỉ càng làm cho những trái tim nhỏ bé bị thương tổn thêm. Trong khi 32 đứa trẻ ấy, hầu như chẳng có vấn đề gì với 31 cái đùi gà cả.
Sự việc ồn ào không đáng có suốt mấy ngày qua xung quanh phản ánh của một nữ phụ huynh của học sinh lớp 1 ở một trường Tiểu học của Hải Dương cuối cùng đã khép lại khi Sở Giáo dục – Đào tạo của tỉnh này phải cử Thanh tra tới trường xác minh vụ việc và có thông cáo báo chí ngay hôm 27/5.
Cơ quan có thẩm quyền xác nhận: Cháu bé vẫn được liên hoan cùng bạn bè trong lớp, chỉ là mẹ bé không có phản hồi về suất ăn có đùi gà nên Ban phụ huynh lớp chỉ có thể mua 31 phần dù lớp có 32 bé, và một bạn ngồi bên đã san sẻ phần đùi gà cho bạn mình – người bạn được mẹ cho rằng con mình không được ăn vì mẹ không đóng tiền Quỹ (!).
Cô giáo chủ nhiệm cũng đã đến tận nhà bé xin lỗi vì ứng xử chưa đủ khéo léo tế nhị và Nhà trường mong mẹ bé khép lại câu chuyện này.
Câu chuyện này đã làm dấy lên hai luồng dư luận. Phe ủng hộ việc không đóng bất kỳ một đồng Quỹ lớp nào ủng hộ mẹ em bé “mọi khoản thu ở trường đều là vi phạm quy định các Thông tư, Nghị định của Bộ Giáo dục, của Chính phủ”…
Thậm chí, họ cho rằng nên chấm dứt các hình thức liên hoan tổng kết có ăn uống, dã ngoại, quà cáp khen thưởng cuối năm, vì đều liên quan đến việc thu tiền. Giáo dục ở bậc tiểu học trong trường công là miễn phí. Tiền, dù nhiều hay ít sẽ làm vẩn đục mối quan hệ thầy trò và môi trường giáo dục trong sáng.
Quyết toán chi tiêu khoản quỹ phụ huynh của lớp 1C do phụ huynh đăng tải. Ảnh: CMH
Phe này cũng đồng thời lên án Hội phụ huynh đã “tiếp tay” cho nhà trường lạm thu các khoản Quỹ, và gây ra những nghịch cảnh trớ trêu trong buổi liên hoan như em bé vì mẹ không đóng tiền nên đã không được dự liên hoan, phần nào gây cho bé và mẹ một vết hằn tâm lý.
Phe thứ hai cho rằng, mẹ bé đã quá cứng nhắc, không nghĩ đến niềm vui của con, không muốn hoà đồng cùng các phụ huynh khác. Chính mẹ mới khiến con xa cách bạn bè.
Đi xa hơn, nhiều người còn vào trang cá nhân của người mẹ tìm kiếm và “bóc phốt” chuyện chị đã từng mua những món đồ ăn rất đắt đỏ, chuyện chị đeo rất nhiều trang sức quý trong khi kiên quyết không đóng Quỹ dù chỉ 100.000 và quy kết người mẹ với nhiều lời lẽ hết sức nặng nề…
Giữa những dòng thác giận dữ và lên án của cả 2 phe với cô giáo, với Ban phụ huynh và với nhau, một phụ huynh như tôi bị ngập trong biển thông tin quá nhiều chiều, mâu thuẫn và mới nghe có vẻ đều có lý.
Nhà vốn có 1 học sinh tiểu học và 1 sinh viên, vì vẫn thuộc phe “cẩn trọng” nên tôi chỉ dám trao đổi câu chuyện “nóng bỏng” trên với sinh viên.
Và ý kiến của “học sinh lớp 1 hồi 13 năm trước” khiến tôi giật mình: “Sao tất cả bố mẹ và thầy cô không ai hỏi bọn trẻ con lớp 1 thấy thế nào? Con nghĩ người lớn không nên và “quy kết” nhau như thế, bọn nó tự giải quyết với nhau xong từ lúc đấy rồi! Chúng nó tự chia sẻ cho nhau rồi đấy thôi! 32 cái đùi gà cho 31 đứa thì có làm sao? Còn nhiều món khác, bánh kẹo, khoai tây chiên, trái cây… Kiểu gì chả có đứa không thích ăn đùi gà, nhờ bạn ăn hộ, hoặc có đứa sợ béo, bị hạn chế ăn đồ chiên rán với uống nước ngọt như con hồi bé ấy”.
Nhắc đến cấm đoán, ký ức của cậu sinh viên sống dậy: Hồi đấy mẹ viết cả mail gửi cho cô chủ nhiệm đề nghị không cho con ăn cánh gà với Coca trong các buổi dã ngoại, nếu không mẹ sẽ không cho con đi với lớp còn gì?! Mẹ có biết nhìn các bạn ăn uống con khổ lắm không, may mà cô mua cho con Coca không đường, còn gà thì cô bảo cứ ăn đi nhưng lột da và lớp bột chiên bên ngoài đi, cô không nói với mẹ đâu. Mẹ không biết chứ hồi đấy con nhìn bọn nó được ăn thịt xiên với kẹo bông ở cổng trường con thèm đến nỗi ngủ cũng mơ có một nắm tiền mừng tuổi ra cổng trường mua hết cả hàng thịt xiên nướng chia cho cả lớp, cho tất cả bọn hay chế giễu con là “cậu ấm núp váy mẹ”, “chàng trai tủ kính” cho chúng nó hết coi thường con.
Phản ứng của “cựu học sinh tiểu học” làm tôi thực sự phải suy nghĩ. Hoá ra cũng nhiều cha mẹ được con cái trút bầu tâm sự như vậy khi chúng đã khỏi vòng kiềm toả của chúng ta.
Một anh bạn đồng nghiệp của tôi chia sẻ: “Cả tuổi thơ tôi phần lớn đứng ngoài những cuộc vui của bạn bè chỉ vì… bố mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc cho con cái tiêu tiền. Mà thú vui ngày đó chỉ là quà vặt giờ nghỉ hay đi chơi xa một chút”.
Tác giả bài viết, nhà báo Đỗ Thu Hà. Ảnh: DV
Sau vụ việc ồn ào không đáng có này, cũng có nhà giáo mà tôi quý mến viết rằng không nên tổ chức liên hoan cuối năm. Nhưng tôi nghĩ những buổi đi chơi, những cuộc liên hoan sẽ là dấu gạch nối cho tình bạn tuổi học trò. Khi trưởng thành, ít ai trong chúng ta nhớ được những lần giải toán, viết văn, làm thí nghiệm hóa học cùng nhau…
Ánh mắt cậu trai với crush (người bạn gái trộm thương) trong buổi liên hoan cuối năm, cái cầm tay vội vã khi hai đứa cùng đi “đạp vịt hồ Tây” sẽ được nhớ nhiều hơn phát biểu của thầy hiệu trưởng tại lễ bế giảng.
Và vẫn không ai tìm hiểu và hỏi xem 32 đứa bé trong buổi liên hoan ấy chúng cảm thấy thế nào?
Có một điều mà người lớn không chịu hiểu là bao nhiêu nguyên tắc, bao nhiêu ứng xử khôn ngoan, bao lý lẽ đanh thép của họ chỉ càng làm cho những trái tim nhỏ bé ấy bị thương tổn thêm, trong khi 32 đứa trẻ ấy, hầu như chẳng có vấn đề gì với 31 cái đùi gà cả. Chúng đã tự giải quyết với nhau xong ngay từ lúc đó rồi!
Chỉ người lớn khôn ngoan và ghê gớm chúng ta mới nâng miếng ăn lên tầm nghiêm trọng đến thế. Và mới có thể thản nhiên “sỉ nhục” người thầy và nghề thầy giáo trong một hy vọng hồn nhiên là con cái chúng ta sẽ trưởng thành, giỏi giang, tử tế như thế này.