Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Mỹ ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Nội dung trên được Bộ Công Thương phát đi tối 2/8. Theo Bộ Công Thương, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba.
Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Thực tế, một nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng. Nước nhập khẩu có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt.
“Nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ, thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng, họ đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường”, thông cáo nêu. Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam có đủ tiêu chí để được công nhận như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn độ, Hàn Quốc, New Zealand.