Đêm 9/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên sông Thao; lũ khẩn cấp trên sông Lục Nam và sông Thương.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện trạng diễn biến lũ trong 12 giờ qua trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.
Mực nước lúc 19h ngày 9/9, trên sông Thao tại Lào Cai là 87,12m, trên báo động (BĐ) 3 là 3,62m (trên mức lũ lịch sử năm 1971); tại Bảo Hà 60,98m, trên BĐ3 3,98m (trên mức lũ lịch sử năm 2008);
Còn tại Yên Bái, lũ đang trên BĐ 34,28m, dưới mức lũ lịch sử năm 1968 là 0,14m. Trên sông Hồng tại Hà Nội 7,56m, dưới BĐ1 là 1,94m.
Trên sông Cầu tại cầu Gia Bảy (Thái Nguyên) trên BĐ3 là 1,71m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 là 0,57m, còn tại Đáp Cầu (Bắc Ninh) 5,57m, trên BĐ2 0,27m.
Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) dưới BĐ3 là 0,14m.
Trên sông Lục Nam tại Lục Nam (Bắc Giang) trên BĐ3 là 0,32m.
Trên sông Lô tại Tuyên Quang dưới BĐ2 là 0,64m.
Trên sông Thái Bình tại Phả Lại (Hải Dương) trên BĐ1 0,47m.
Dự báo trong đêm nay đến sáng mai (6-12 giờ tới) lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục lên và duy trì ở trên mức BĐ3, trên mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.
Còn lũ sông Thao tại Phú Thọ tiếp tục lên mức BĐ1.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh nhưng vẫn ở mức dưới BĐ1.
Lũ trên sông Lục Nam tiếp tục xuống dưới BĐ3.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang tiếp tục lên nhanh trên mức BĐ2.
Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ2, sông Thương lên mức BĐ3 và sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ1.
Các huyện có nguy cơ sạt lở trong đêm nay
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái sẽ biến đổi chậm duy trì ở mức trên BĐ3, trên mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008. Còn tại Phú Thọ tiếp tục lên vượt mức BĐ1, còn trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở mức BĐ1 vào đêm mai (10-9).
Lũ trên sông Lục Nam sẽ xuống mức BĐ2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang tiếp tục lên nhanh trên mức BĐ2. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên mức BĐ3, sông Thương lên trên mức BĐ3và sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ2.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ nay đến 11-9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và lũ quét, sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Vợ chồng anh Sơn chỉ còn chút thức ăn ít ỏi là mấy gói mỳ tôm. Nước lũ dâng cao khiến ngôi nhà của anh ngập sâu hơn 1m. Em của anh đã đăng tải bài viết lên mạng, mong anh mình sớm thoát khỏi vùng lũ.
Những lời khẩn cầu giữa biển nước
Dù đã gần nửa đêm nhưng chị Quách Hiền (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) vẫn không thể nào chợp mắt. Chị Hiền lo cho chị gái vẫn còn mắc kẹt trong ngôi nhà nước đã dâng lên đến tầng 2.
Tối 9/9, chị Hiền đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái: “Gia đình chị em 4 người ở số 27, đường Thanh Niên, phường Hồng Hà vẫn đang rất mong được các bác đội cứu hộ đưa ra ngoài vùng lũ. Em xin cảm ơn!”.
Dòng trạng thái còn đăng kèm ba số điện thoại liên hệ, trong đó có số của chị gái chị Hiền, số của chị Hiền. Tuy nhiên, đến thời điểm 22h, số của chị gái chị Hiền đã không liên lạc được. Theo người phụ nữ này, có thể do điện thoại đã hết pin.
Dòng trạng thái của chị Hiền trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).
Chị Hiền cho biết, chị gái chị tên là Hằng, làm nghề giáo viên. Từ chiều 8/9, nước lũ dâng cao dần tràn vào nhà chị Hằng. Do ở gần sông, nên ngôi nhà bị ngập nghiêm trọng.
Đến chiều tối 9/9, cả nhà phải rút lên tầng 2. “Cả nhà 4 người phát tín hiệu cần trợ giúp, nhiều thuyền nhỏ của người dân đi qua vào giúp đỡ nhưng vì không có thang chuyên dụng thả từ tầng 2 xuống thuyền nên gia đình chị tôi không thể xuống được. Lối xuống tầng 1 thì đã ngập trong nước”, chị nói.
Đến tối 9/9, gia đình chị Hằng vẫn mắc kẹt trong nhà.
“Chị tôi và tôi có kết nối với một vài số cứu hộ khẩn cấp nhưng không hiểu vì lý do gì không kết nối được. Rất mong lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp của chính quyền, lực lượng bộ đội tiếp cận hỗ trợ gia đình chị tôi”, chị Hiền khẩn cầu.
Tại thành phố Yên Bái, sáng 9/9, mực nước dâng cao làm ngập nhiều nhà dân. Nhiều gia đình giáp bờ sông nước tràn vào nhà, ngập đến gần nóc. Đường Thanh Niên, phường Hồng Hà là một trong số những khu vực bị ngập nặng nhất.
Đường Thanh Niên, phường Hồng Hà, TP Yên Bái ngập trong biển nước (Ảnh: Hoàng Đức).
Cũng trong ngày 9/9, anh Nguyễn Đức Vinh đăng thông tin kêu gọi trợ giúp đối với người thân của gia đình: “Gia đình anh chị mình có 2 người ở đường Thanh Niên mong được cứu hộ gấp. Ai có thuyền cano đón được thì liên hệ số điện thoại 0356228260”.
Khi phóng viên Dân trí liên hệ đến số điện thoại, người nghe máy là anh Nguyễn Hồng Sơn. Thời điểm 22h ngày 9/9, anh Sơn cho biết, vợ chồng anh đang mắc kẹt trong căn nhà số 311 đường Thanh Niên, nước lũ dâng cao 1m.
“Tôi lo lắng nước sẽ tiếp tục dâng cao trong đêm. Tôi đã gọi nhiều cuộc gọi tới số cứu hộ nhưng không thể kết nối có thể do sóng yếu hoặc các lực lượng chức năng cũng đang quá tải đi giải cứu người dân”, anh Sơn nói.
Cũng theo anh Sơn, nước lũ dâng cao từ chiều 8/9. Ở trong tình thế bị động, anh Sơn và vợ không kịp chuẩn bị gì. Trong nhà chỉ còn mấy gói mỳ tôm.
“Cả khu bị mất điện. Buổi sáng nhà còn gas nên tôi nấu được mỳ, nhưng đến trưa thì gas cũng hết. Vợ chồng tôi nhai mỳ tôm sống buổi trưa và buổi tối. Nếu tiếp tục mắc kẹt trong lũ, nước lũ lại ngày một dâng cao, không biết chúng tôi sẽ ra sao”, anh Sơn lo lắng.
Nguyện vọng của anh Sơn lúc này là được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi vùng lũ, đến nơi tránh trú an toàn để anh ở tạm vài ngày chờ nước rút.
“Lũ vào mất hết rồi!”
Một ngày sau khi lũ dâng ở Yên Bái, chị Mai (TP Yên Bái) thấy mỗi lúc một nóng ruột khi người chú của mình vẫn ở trong ngôi nhà gần dòng nước xiết.
Chị Mai cho biết, trước đó đã gọi điện cho lực lượng cứu hộ giúp chị mình nhưng vì nước chảy xiết, nhiều đội cứu hộ không tiếp cận được ngôi nhà.
Thấy nhiều người dân Yên Bái lên mạng nhờ giải cứu khỏi vùng lũ, chị Mai cũng chia sẻ số điện thoại của chú và địa chỉ nhà số 93, đường Yết Kiêu để mong có người đến trợ giúp.
Khi phóng viên liên hệ với ông Sơn – chú của Mai – người đàn ông này cho biết, khoảng 21h30, ông đã được cano của lực lượng chính quyền tới trợ giúp đưa đến tá túc tại một nhà dân.
Ông Sơn cho biết, đến tối 9/9, nước dâng cao ngập hết tầng 1. Trước đó, các thành viên trong gia đình ông Sơn đã di tản trước, ông dự định ở lại canh coi tài sản.
Tuy nhiên, khi thấy nước ngày một dâng cao nguy hiểm, ông Sơn quyết định bỏ lại tất cả để bảo đảm an toàn tính mạng. “Lũ vào mất hết rồi”, ông Sơn buồn bã nói.
Nhiều tuyến phố tại các phường, xã giáp bờ sông Hồng tại TP Yên Bái đã hòa làm một với dòng sông (Ảnh: Hoàng Đức).
Bên cạnh các thông tin nhờ giải cứu khỏi vùng ngập sâu từ 1-2m ở các đường Thanh Niên, đường Hòa Bình, đường Lê Văn Tám, Hoàng Hoa Thám.., nhiều người dân ở Yên Bái còn đăng tin xin hỗ trợ đồ ăn, nước uống vì lý do mất nước, mất sóng điện thoại.
Lúc 21h30 ngày 9/9, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái phát đi tin cảnh báo ngập lụt.
Cụ thể, lũ trên sông Hồng tại Yên Bái vẫn đang lên cao, mực nước lúc 21h ngày 9/9 là 34,41m (trên báo động 3: 2,41m); trên sông Chảy mực nước đang tiếp tục lên do Thủy điện Thác Bà xả lũ tối đa 3 cửa mặt.
Dự báo trong 6 giờ tới trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn, lũ trên các sông ở mức cao sẽ gây ngập úng cho nhiều khu vực trũng thấp, ven sông suối của các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Thị xã Nghĩa Lộ, TP Yên Bái với độ sâu phổ biến từ 0,5m đến 1,5m, có nơi trên 3m. Các điểm có nguy cơ ngập sâu cao như:
Thành phố Yên Bái: Phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, phường Hợp Minh, phường Yên Ninh, phường Nam Cường, phường Nguyễn Phúc, xã Giới Phiên, xã Văn Phú, xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu.
Huyện Trấn Yên: Xã Nga Quán, Đào Thịnh, Việt Thành, Báo Đáp, Cường Thịnh, Minh Tiến, Y Can, Quy Mông.
Huyện Yên Bình: Xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Xã Hán Đà.
Huyện Văn Yên: Xã Đại Phác, Viễn Sơn, Yên Phú, An Thịnh, Yên Hợp, TT Mậu A, xã An Bình, Phong Dụ Hạ, Mỏ Vàng.
Thị xã Nghĩa Lộ: Xã Nghĩa Lợi, Sơn A, Thạch Lương.
Huyện Văn Chấn: An Lương.
Huyện Trạm Tấu: Túc Đán, Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Làng Nhì
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt: Cấp 3.