Hà Nội là một trong số ít các thành phố trên thế giới còn giữ được nhiều kiến trúc thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa (thời bao cấp). Một trong những công trình gắn liền với thời bao cấp là những khu nhà tập thể. Tuy nhiên, một số người cho rằng điều kinh khủng nhất thời ấy là không có không gian riêng, ngay cả nhà vệ sinh, nhà tắm cũng phải dùng chung.
Vẹn nguyên kiến trúc thời bao cấp
Bên cạnh khối di sản kiến trúc thời Pháp thuộc và kiến trúc truyền thống, Hà Nội còn có khối di sản kiến trúc thuộc thời bao cấp. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc này còn mờ nhạt, ít được quan tâm.
Đây là những ý kiến của chuyên gia, các kiến trúc sư nêu ra tại tọa đàm Hà Nội thời bao cấp: Ký ức qua di sản kiến trúc diễn ra ngày 11/10.
Theo kiến trúc sư Vũ Hiệp, Hà Nội là một trong số ít các thành phố trên thế giới còn giữ được nhiều kiến trúc thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa (thời bao cấp). Các công trình này gắn liền với cuộc sống đầy khó khăn nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan của người dân Hà thành.
Những công trình kiến trúc nổi bật thời bao cấp ở Hà Nội có thể kể đến nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Đại học Bách khoa Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội…
Không khó để kể tên những công trình kiến trúc thời kỳ đó như cụm công nghiệp Cao – Xà – Lá, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Đại học Bách khoa, trường Đại học Thủy lợi, sân vận động Hàng Đẫy, NXB Sự thật, Bưu điện Hà Nội,… và rất nhiều khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công…
Ký ức về những khu tập thể cũ còn in sâu trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội. Thời đó chỉ cán bộ cấp trung (cấp cục trưởng) mới được phân 1 căn hộ 2 phòng, cán bộ cấp cao (cấp thứ trưởng) được 2 căn hộ. Với đa số cán bộ, công nhân viên thường 2-3 gia đình ở chung một căn hộ, thậm chí ở chung phòng, sử dụng chung nhà bếp, nhà vệ sinh và nhà tắm.
Một số khu nhà tập thể thời bao cấp gắn liền với ký ức về cuộc sống không có không gian riêng.
Tuy nhiên, việc ở chung không hề đơn giản. “Điều kinh khủng nhất thời ấy là cái gì cũng chung. Đặc biệt là chung công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh và nhà tắm”, TS. KTS Trần Thanh Bình nêu.
Vào đầu những năm 1980, tỷ lệ hộ chia sẻ căn hộ/phòng hay ở chung/ở tập thể tại Kim Liên là khoảng 61% (nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thái Hoàng vào năm 1985).
Mãi đến những năm 1987, Nhà nước chính thức đưa ra tiêu chuẩn thiết kế xây dựng nhà ở, trong đó yêu cầu căn hộ phải được thiết kế độc lập, khép kín với đầy đủ các bộ phận: phòng khách và các bộ phận phụ trợ. Lúc này vấn đề thiếu không gian riêng tư mới được giải quyết.
“Trước những bất cập đó, khu tập thể Kim Liên đã rút kinh nghiệm không thiết kế không gian rộng 4-5 phòng mà thiết kế căn hộ 2 phòng nhỏ để tiện phân chia và thiết kế căn hộ có bếp và phòng tắm riêng. Theo tiêu chuẩn thiết kế lúc đó, bếp chung chỉ có 6m2 nên các hộ có bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng sẽ chỉ có bếp riêng rộng 1m2”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy nêu.
Những công trình dần rơi vào quên lãng
Từng gắn bó và là một phần tạo nên bản sắc của Thủ đô Hà Nội, giờ đây, những công trình từ thời bao cấp dần xuống cấp, thậm chí nhiều công trình đã bị phá hủy để xây dựng những khu chung cư, văn phòng cao cấp, một số khác bị cải tạo sai lệch so với vẻ đẹp ban đầu.
Thậm chí, khi thực hiện khảo sát với hàng trăm người trong độ tuổi 20-30 sống, học tập và làm việc tại Hà Nội, BTC cho biết phần lớn người dân Hà Nội không có cảm nhận gì nhiều về kiến trúc thời kỳ bao cấp, dù tất cả đang sống ở nơi dày đặc các di sản thời kỳ này.
Tại tọa đàm Hà Nội thời bao cấp: Ký ức qua di sản kiến trúc các diễn giả chia sẻ về hàng loạt di sản kiến trúc thời bao cấp.
“Ngay cả với những người đang sinh sống ở Hà Nội, di sản thời kỳ bao cấp vẫn ở “điểm mờ”. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 200 người trong độ tuổi 20-30, đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn người dân Hà Nội không có cảm nhận gì nhiều về kiến trúc thời kỳ này”, kiến trúc sư Vũ Hiệp nêu.
Cụ thể, 56% người trả lời cho biết giai đoạn kiến trúc có tác động mạnh nhất đến bản sắc và thương hiệu của Hà Nội thuộc về kiến trúc truyền thống, 18% chọn kiến trúc Pháp, 17% chọn kiến trúc đương đại (1986-nay) và chỉ có 9% chọn kiến trúc thời kỳ bao cấp.
Lý do được đưa ra là do những công trình này được xây dựng trong giai đoạn đất nước khó khăn (1954-1986), nên quy mô, sự phong phú về hình khối, cũng như chất lượng vật liệu không bằng các giai đoạn khác.
Sân vận động Hàng Đẫy những ngày đầu đưa vào khai thác.
“Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ít được quảng bá đến công chúng. Khảo sát các sách lịch sử kiến trúc trong 10 năm trở lại đây, có thể thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến trúc thuộc địa Pháp và sự vắng bóng của kiến trúc giai đoạn 1954-1986”, kiến trúc sư Vũ Hiệp cho biết.
Liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc thời bao cấp, kiến trúc sư Lê Thành Vinh – nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích – cho biết việc bảo tồn và phát triển là công việc phức tạp.
“Không thể lúc nào cũng có thể xếp hạng di tích, di sản bởi đôi khi xếp hạng làm hại di tích. Khi xếp hạng có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử, chỗ cần bảo tồn chúng ta ra sức bảo tồn, nơi nào chưa cần chúng ta lại lơ là. Vì vậy, nếu chúng ta muốn bảo vệ di sản cần phải tập trung vào các từ khóa liên quan”, kiến trúc sư Lê Thành Vinh nêu.