Tính chung 4 tháng đầu năm, đầu tư công tại TP HCM ước đạt trên 9.600 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê.
Con số này bao gồm vốn kế hoạch cuối năm cũ cùng vốn mới năm nay, gần bằng một nửa vốn đầu tư công được bơm ra trung bình mỗi năm tại TP HCM giai đoạn 2011-2022, với khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cục Thống kê TP HCM ước tính riêng vốn đầu tư công giải ngân theo kế hoạch năm nay đến cuối tháng 4 xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần so cùng kỳ năm ngoái (gần 2.500 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch).
Vốn đầu tư công được xem là vốn mồi của nền kinh tế. Tiến độ giải ngân năm nay tăng tốc khi TP HCM tập trung đẩy nhanh các giải pháp khơi thông nguồn vốn. Suốt quý I, UBND thành phố cùng các chủ đầu tư, sở ngành quận huyện và các nhà thầu tổ chức họp hàng tuần để giải quyết các vướng mắc dự án.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ban hành chương trình hành động với mục tiêu rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục đầu tư công. Trong giai đoạn cao điểm cuối quý I, ông yêu cầu kho bạc, sở ngành liên quan làm việc cả thứ 7 và chủ nhật tuần cuối tháng 3 để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Cục Thống kê thành phố cho hay, trong các dự án trọng điểm, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành 98% khối lượng, sẽ chạy thử từ tháng 7 đến tháng 9 miễn phí vé và khai thác thương mại vào quý IV. Dự án Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã bàn giao khoảng 90% mặt bằng.
Các dự án thành phần của Vàng đai 3 đang đúng tiến độ nhưng còn gặp khó về nguồn cung cát đắp nền. Trong khi, dự án mở rộng Quốc lộ 50 đang vướng mắc bồi thường cho 11 hộ dân nên có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ.
Dù đã giải ngân vốn gấp 3 lần năm ngoái, áp lực triển khai vốn đầu tư công tại đầu tàu kinh tế còn rất cao. Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, năm 2024, TP HCM cần giải ngân hơn 79.260 tỷ đồng và đặt mục tiêu đạt từ 95% số tiền này.
Điều này đồng nghĩa mỗi quý TP HCM phải giải ngân gần 20.000 tỷ đồng, gấp đôi con số của 4 tháng qua. Với tiến độ hiện tại, mỗi tuần địa phương cần giải ngân được 2.100 tỷ đồng để đạt mục tiêu tối thiểu.
Bên cạnh vốn đầu tư công, vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nền kinh tế TP HCM còn yếu.
Nếu như trong quý I, cứ một doanh nghiệp mới tham gia thị trường TP HCM lại có 1 doanh nghiệp rút lui thì tính chung 4 tháng qua, tình hình khả quan hơn khi với 100 doanh nghiệp ra đời, chỉ 79 doanh nghiệp dừng hoạt động.
Tổng cộng, có 20.319 thành lập mới, giảm 9,1% so với cùng kỳ 2023. Vốn đăng ký bình quân chỉ 8,1 tỷ đồng, giảm 17,1% (cùng kỳ 2023 là 9,8 tỷ đồng) phản ánh quy mô doanh nghiệp mới chủ yếu là nhỏ. Với vốn ngoại, tính từ đầu năm đến ngày 20/4, tổng vốn FDI vào thành phố chỉ hơn 915 triệu USD, giảm 6,5%.
Điểm sáng là doanh nghiệp có niềm tin hơn trong việc vay vốn làm ăn so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tính đến 30/4 tăng 9,5%, nhanh hơn mức 7,8% của 4 tháng đầu năm ngoái.