Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 14-10 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng 3-2023, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý Cường đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chiều 24-6-2024 tại TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: VGP
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến Việt Nam sau khi hai Đảng, hai nước xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” vào tháng 12-2023.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.
Dự kiến, trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ đi sâu thảo luận những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị. Trong đó, hai Thủ tướng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Thời gian qua, quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển rất tích cực. Trao đổi cấp cao và các cấp ngày càng được tăng cường, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng khởi sắc. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 148,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 43,6 tỉ USD (tăng 1% so với cùng kỳ); nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỉ USD (tăng tới 32,5%).
Từ nay đến hết năm 2024, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỉ USD. Hiện hai bên đang tích cực thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.
Về đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 29,3%) và đứng thứ hai với vốn đầu tư 3,2 tỉ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây, tạo không khí tích cực cho các dự án hợp tác mới giữa hai nước.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân đạt nhiều thành quả. Hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; đang có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19; khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng gia tăng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 2,4 triệu lượt.
Hai bên đã đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Hai bên nỗ lực duy trì trao đổi, kiểm soát bất đồng trên biển, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực triển khai các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.