Hộ Pháp Kim Cang đi theo ông Thích Minh Tuệ bất ngờ nhận quảng cáo?

Sau khi ông Thích Minh Tuệ ẩn tu, mạng xã hội lại xôn xao trước thông tin “Hộ Pháp Kim Cang” bất ngờ có thêm công việc nhận quảng cáo cửa hàng xe máy.

Ngày 7/6, trên mạng bất ngờ lan truyền video một người đàn ông đang review cửa hàng xe máy với nội dung: “Con đường tu tập dần sang trang mới. Cũng nhờ đội ngũ Facebooker, YouTuber, Tiktoker đã phong “thầy” mà giờ cuộc sống ‘Hộ Pháp Kim Cang’ sang trang mới, ‘thầy’ kiếm tiền cũng dễ. Một clip review cửa hàng xe máy cũng bằng người ta đi làm cả tháng”.

Theo đó, người đàn ông trong video là nhân vật khá “nổi tiếng” thời gian gần đây khi đi theo ông Thích Minh Tuệ. Người đàn ông này có vẻ ngoài dữ tợn, thường xua đuổi những người lạ mặt có ý đồ không tốt quấy nhiễu ông Thích Minh Tuệ. Do có ngoại hình khá giống với hình ảnh miêu tả của vị hộ pháp nổi tiếng nên được dân mạng gọi là “Hộ Pháp Kim Cang”.

Người đàn ông mặc bộ đồ màu lam, đi dép lê, tự xưng “Kim Cang” giới thiệu cửa hàng xe máy ở Hải Phòng. (Ảnh cắt từ clip)

Trong video, người đàn ông này bắt đầu với lời giới thiệu rất “chuyên nghiệp: “Chào cả nhà, Kim Cang hôm nay xuất hiện ở Hải Phòng”, “đây là cửa hàng xe máy cũ của người em”, “mua bán uy tín, giá rẻ” và đặc biệt nhấn mạnh địa chỉ, số điện thoại của cửa hàng xe máy.

Đáng nói, trong video, người đàn ông liên tục tự xưng là “Kim Cang”, chắp tay vái “A di đà Phật”. “Kim Cang từ miền Trung, đi tu tập một thời gian, thầy (ông Thích Minh Tuệ – PV) ẩn tu rồi nên về đây”, người này thừa nhận.

Sau khi video được chia sẻ trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người khẳng định, việc ông Kim Cang đi theo ông Tuệ với tâm lý đám đông, là chiêu trò “ké fame” chứ không phải đi theo để tu.

“Mới cạo đầu đi bộ trên đường được vài hôm đã làm thầy”“Minh Tuệ ẩn tu, Hộ Pháp Kim Cang tự mở đạo tràng riêng, còn lập kênh top top để bán hàng: Hoá ra tất cả chỉ là chiêu trò?”, cư dân mạng ngán ngẩm.

“Chính ra cũng khôn phết đấy, theo chân ông Minh Tuệ kiếm fame giờ về có tí nổi tiếng, đi review kiếm ăn thôi”“Tôi nghĩ ông này đừng làm trò cười cho thiên hạ nữa để vợ con ông đỡ xấu hổ với xã hội”;…

“Thôi vậy cũng được, vì đó là những góc khuất của cụôc sống. Tôi chỉ cảm thấy buồn cười và xót xa cho những người mới hôm nào, chẳng biết gì cả, a dua vào ” Mô Phật! con chào thầy”, tài khoản Huỳnh Vũ bình luận.

“Hộ pháp Kim Cang” thời điểm đi theo ông Thích Minh Tuệ. (Ảnh chụp màn hình)
Trước đó, Báo Công Thương từng có bài viết: “Hộ Pháp Kim Cang” theo chân ông Thích Minh Tuệ là ai?” dẫn lời người đàn ông nhận là cháu của Hộ Pháp Kim Cang đã chỉ rõ việc làm của người đàn ông này đã làm khổ vợ con và gia đình.

Theo đó, Hộ Pháp Kim Cang tên thật là Đ.V.P. (SN 1982, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Anh K. (người được giới thiệu là cháu của “Hộ Pháp Kim Cang”) cho biết, ông P. không phải là người tu tập. Người đàn ông này đi theo ông Thích Minh Tuệ với mục đích “dọa” đi tu để gây sức ép với gia đình bởi những việc ông này từng làm ảnh hưởng tới mọi người.

“Chú ấy có phải doanh nhân, doanh nghiệp gì đâu, vẫn đang thuê nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Vợ con thì vẫn đang khổ cực ở nhà làm may thuê nuôi 2 đứa con nhỏ”, anh K. nói và cho biết gia đình ông P. rất mệt mỏi về việc này.

Liên quan đến “Hộ Pháp Kim Cang” ngay sau khi ông Thích Minh Tuệ ẩn tu, tự nguyện dừng đi bộ khất thực, ngày 5/6, mạng xã hội xôn xao trước đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông mặc pháp phục màu nâu ngồi trước đạo tràng với nội dung: “Hộ pháp Kim Cang tự xưng có vẻ đã tự lập đạo tràng. Sau nữa làm gì thì mọi người tự hiểu. Thật đúng quy trình”.

Sau khi ông Thích Minh Tuệ ẩn tu, hình ảnh “Hộ Pháp Kim Cang” lập đạo tràng từng gây xôn xao

Trong khi đó, liên quan đến sự việc ông Thích Minh Tuệ (tên thật Lê Anh Tú), mới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã thông tin cho biết, sau hành trì đi bộ khất thực, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện. Tuy nhiên cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội.

“Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực”, Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin.

Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng.