Giáo viên đề xuất ‘hai không’: Không ban đại diện CMHS lớp, không điện thoại

Bắt đầu năm học 2024-2025 có địa phương suôn sẻ, thầy cô và học sinh nô nức đến trường. Có nhiều trường, đến nay thầy trò phải nghỉ học do hậu quả khủng khiếp của bão Yagi.

Cầu mong trong vòng tay yêu thương của người dân cả nước, khó khăn, mất mát vùng bão lũ qua đi, bình yên hồi sinh, trống trường nơi ấy ấm vang sớm đón thầy cô, học sinh đến trường.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2024-2025 giáp một vòng. Mặt tích cực đan xen hạn chế, thuận lợi đi cùng khó khăn do cách nhìn chưa thấu thực tế vì còn chủ quan. Chẳng hạn môn học tích hợp ở THCS dường như hiện nay cái mới chỉ còn tên gọi, còn… lý, hóa, sinh (sử, địa) thì của giáo viên nào người đó “tự xử”!

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2024-2025 giáp một vòng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ở cấp THPT, do có môn học bắt buộc và tự chọn dẫn đến thiếu giáo viên một số môn như sử và không ít trường thừa giáo viên lý, hóa, sinh.

Môn công nghệ, tin học lần đầu đưa vào là môn thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện thế nào? Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ điểm học bạ 3 năm phổ thông dự kiến 50% sẽ ra sao?…

Mấy ngày qua, dư luận lại nóng chuyện cấm hay cơ bản cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở lớp? Làm sao các khoản thu tiền trường công khai, minh bạch, tạo đồng thuận trong phụ huynh, học sinh trong và ngoài ngành giáo dục?

Nhân đây, xin đề xuất với Bộ GD-ĐT “2 không” cho năm học 2024-2025.

Bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp
Theo đó, chỉ giữ lại ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường. Theo đơn vị lớp, giáo viên chủ nhiệm tạo group Zalo, Facebook liên lạc giữa giáo viên với phụ huynh, phụ huynh với phụ huynh nhanh chóng. Từ quy định của trường, lớp, những khoản thu, đến kết quả học tập, rèn luyện của con em ở lớp, giáo viên thông báo đến phụ huynh đầy đủ.

Các vấn đề liên quan dạy học, giáo dục hầu hết được nhà trường thông tin kịp thời qua sự kết nối này. Ngược lại, cần phản ánh với thầy cô, với nhà trường, phụ huynh hoàn toàn có thể “bấm” qua các nhóm kết nối này và tích tắc thầy cô biết sẽ biết.

Kỳ họp đầu năm, cuối học kỳ I, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh họp toàn thể hoặc gặp gỡ riêng. Còn việc huy động sự đóng góp là chủ trương của nhà trường, khéo dân vận thì phụ huynh đồng tình cao, ngược lại, phụ huynh phản đối. Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm.

Thực tế này cho thấy ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp không còn cần thiết. Bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp sẽ tiết kiệm thời gian họp hành, phát huy tương tác của phụ huynh với trường thông qua công nghệ, khuyến khích họ chia sẻ ý kiến thẳng thắn, thêm biện pháp xóa vấn nạn lạm thu tiền trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường, phối hợp với nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục, phản ánh những vấn đề nổi cộm, chia sẻ với thầy cô, học sinh khi cần thiết phù hợp quy định.

Không ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, thầy cô còn vơi áp lực tiêu cực khi phụ huynh, vì lý do nào đó nào, đó mâu thuẫn với giáo viên rồi nhân danh “hội lớp”…

Cấm học sinh dùng điện thoại thoại di động ở lớp
Tiết học có 45 phút, thầy cô giảng bài xoay theo giáo án, có phương tiện dạy học bổ trợ mới hoàn thành kế hoạch. Học sinh, thông qua hoạt động để biết, hiểu, vận dụng kiến thức được truyền thụ. Quá trình đó, muốn đúng mục đích, yêu cầu thì học sinh phải chuẩn bị tốt ở nhà, tích cực ở lớp, chăm chú lời thầy cô, hợp tác bạn bè, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo… Các khâu đó, cả về lý thuyết và thực tế, các em không cần điện thoại di động tại lớp.

Nhiều đề xuất cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH

Quy định học sinh được sử dụng điện thoại di động lúc học tập khi giáo viên cho phép vừa làm khó giáo viên vừa “tích cực hình thức”. Giờ nào, việc đó, đến lớp là học từ giáo viên, từ sách giáo khoa, tư liệu; để kết nối thực với bè bạn, chiếm lĩnh tri thức. Học sinh có thể dùng điện thoại di động ngoài lớp học, ngoài nhà trường nhằm tìm thêm bài tập, trao đổi thông tin bài học, chia sẻ phương pháp, học thêm, giải trí, tâm sự với ba mẹ, thầy cô, anh chị em, những người thân thiết với một thời gian nhất định.

Nhiều học sinh giỏi quốc gia, đạt giải quốc tế, khi nói về cách học, không nói đến sử dụng điện thoại di động trong lớp như là một phương tiện học tập.

Quy định không sử dụng điện thoại di động ở lớp khi chưa có sự cho phép của giáo viên. Điều này làm sao thầy cô kiểm tra hết được! Không khéo lại gây xung đột thầy trò. Có người cho rằng, giáo viên bao quát lớp để quản lý học sinh. Đó chỉ là cách nói lý thuyết.

Cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở lớp là việc cần làm ngay. Để lớp học, nơi ấy những cho – nhận đều qua người thực, việc thực, tương tác trực tiếp.

Muốn trò nghiêm túc thực hiện không điện thoại di động trong lớp, thầy cô cần nêu gương, tuyệt đối không dùng điện thoại di động trong lúc lên lớp, sinh hoạt tập thể toàn trường.

Dạy học mà học sinh không có điện thoại di động ở lớp đó là một trong những cách tốt nhất xây dựng trường học hạnh phúc.

Năm học 2024-2025, với khối THPT, ngoài những biện pháp đã triển khai ở các năm học trước, xin đề nghị thêm 9 định hướng công tác chuyên môn.

1. Giúp học sinh khối 10 làm quen với bài kiểm tra theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

2. Từng bước hiện đại thiết bị dạy học, giáo viên tiếng Anh tự học – đọc – lọc, đặt ra lộ trình hợp lý tiến tới thực hiện môn học tiếng Anh giữ vị trí ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

3. Áp dụng nhanh, chắc, hiệu quả hướng dẫn của Bộ GD-ĐT “tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa dùng làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ” đối với môn ngữ văn.

4. Cải tiến sinh hoạt tổ chuyên môn. Nâng chất sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, xoáy sâu năng lực chuyên môn, kỹ năng số, tâm huyết và trách nhiệm của giáo viên.

5. Cải tiến hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, gắn với công tác chuyên môn.

6. Tăng cường giáo dục học sinh thái độ chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.

7. Cần một kế hoạch tổng thể, mạnh mẽ, khả thi, có sự phối hợp chắc giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh học sinh, sự lãnh đạo của cấp ủy, ban giám hiệu, cùng sự nhanh, nhạy, khéo, tinh của hiệu trưởng.

8. Muốn mỗi ngày đến trường là một ngày vui, học sinh phải an toàn. Cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, tổ tư vấn tâm lý học đường, y tế học đường.

9. Nhân lên và vun trồng trong học sinh khát vọng khởi nghiệp, hoài bão cao đẹp, lý tưởng phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Đây là hành trang tối cần thiết để học sinh vững bước đến trường và mạnh mẽ trên đường trần sau này.

Thạc sĩ Nguyễn Vũ Thu Trang (Giáo viên tỉnh Lâm Đồng)

https://thanhnien.vn/giao-vien-de-xuat-hai-khong-khong-ban-dai-dien-cmhs-lop-khong-dien-thoai-185240915061928757.htm