Giám đốc ở Sài Gòn 10 năm bị oan

Ông Đỗ Văn Hùng, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Lộc, vừa được Công an tỉnh Đăk Nông kết luận “không phạm tội” sau 10 năm phải mang thân phận tội phạm lừa đảo.

Trải qua quá trình tố tụng kéo dài với nhiều lần xét xử, trả tự do, rồi huỷ án điều tra lại, ông Hùng, 60 tuổi, ngụ quận 8, cho biết đã ủy quyền cho luật sư thực hiện các thủ tục để yêu cầu bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Năm 2010, khi ông Hùng đang là giám đốc công ty kinh doanh nhà hàng, bất động sản, ôtô, thì người bạn ở Vũng Tàu hỏi vay 500 triệu đồng để mua hóa chất xử lý bồn chứa dầu. Người này đưa cho ông sổ đỏ hai thửa đất diện tích 15 ha tại xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông để làm tin.

Về sau, người bạn gặp khó khăn không trả nợ được, nói muốn nhượng lại hai thửa đất cho ông Hùng. Ông đồng ý và đưa thêm cho bạn 300 triệu đồng. Việc chuyển nhượng diễn ra tại TP HCM, hai bên không bàn giao đất thực địa.

“Nghĩ cầm cuốn sổ trong tay là yên tâm, nên tôi cũng không quan tâm đến việc khu đất đó nằm ở đâu, hiện trạng ra sao”, ông Hùng kể.

Nhầm lẫn định mệnh

Một thời gian sau, theo mô tả của người bán, ông mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Đăk Nông, nhờ bạn là người địa phương cùng nhiều cán bộ địa chính, bí thư xã Đăk Ha, người môi giới, đưa đi xác định vị trí thửa đất vừa nhận chuyển nhượng.

Khi được cán bộ xã xác định “tìm thấy đúng thửa đất” ông Hùng thắc mắc “có hai sổ đỏ nhưng sao thực tế chỉ có một thửa” thì được giải thích do đất trồng cao su, cây cỏ bạt ngàn nên không phân định rõ gianh giới.

“Lúc ấy tôi chỉ biết đất mình mua nằm khu vực đó. Thực tế nó rộng thế nào tôi không đi hết mà chỉ nhờ cán bộ địa chính đo vẽ để làm giấy tờ”, ông Hùng kể. Vì đang sống ở Sài Gòn xa xôi không tiện sử dụng khu đất, ông nhờ “cò” rao bán.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 10/2012, ông Hùng đồng ý bán khu đất cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Tuấn với giá hơn 2 tỷ đồng. Hai bên đến khu đất kiểm tra lại thực địa và ra phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng. Ông hỗ trợ bên mua hoàn thiện các thủ tục sang tên. Một tháng sau, UBND huyện Đăk Glong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Tuấn.

Khi ông Tuấn xây nhà thì bị ông Nguyễn Tấn Anh ngăn cản, đồng thời đưa ra chứng cứ chứng minh mình mới là chủ khu đất. Ông Tuấn báo cho ông Hùng biết việc đã giao đất không đúng vị trí.

“Tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra, gọi điện cho bí thư xã hỏi thì được xác nhận là đã nhận nhầm khu đất. Bên mua bắt đầu gây áp lực buộc tôi trả tiền. Nếu nhầm thì tôi sẽ trả, nhưng đây không phải lỗi của tôi. Do tiền bán đất tôi dùng vào việc khác nên có trả cũng phải cho tôi thời gian từ từ giải quyết chứ”, ông Hùng nói.

Ông Đỗ Văn Hùng hiện sinh sống và làm cho công ty bảo vệ tại quận 8. Ảnh: Hải Duyên

Ông Đỗ Văn Hùng hiện làm cho công ty bảo vệ tại quận 8. Ảnh: Hải Duyên

Lúc đó, ông Hùng yêu cầu bên mua phải sang tên, chuyển nhượng lại đất thì mới trả lại tiền. Tuy nhiên, phía bên mua yêu cầu bồi thường thêm các chi phí khác đã đầu tư trên thửa đất mua nhầm nên ông không đồng ý. Vợ chồng ông Tuấn tố cáo ông lừa đảo.

Gần hai năm sau, ngày 13/5/2014, ông Hùng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra và xét xử, ông Hùng kêu oan, khẳng định không có việc lừa đảo mà là quan hệ dân sự và có sự nhầm lẫn khi xác định vị trí khu đất. Tháng 9 năm đó, TAND tỉnh Đăk Nông xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Hùng 14 năm tù, buộc trả cho ông Tuấn hơn 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tòa tuyên, ông Hùng không kháng cáo, chấp nhận thi hành án sớm và xin về trại giam Z30D (tại Bình Thuận) để thuận tiện cho việc người thân, bạn bè thăm nuôi và thực hiện việc kêu oan lên cấp Tối cao.

Không phạm tội

Vợ ông, với sự giúp đỡ của một số bạn bè, đã gửi hồ sơ vụ án đến TAND Tối cao kêu oan, đề nghị xem xét lại. Chánh án TAND Tối cao sau đó kháng nghị bản án của TAND tỉnh Đăk Nông, chuyển hồ sơ cho TAND Cấp cao tại TP HCM xét giám đốc thẩm.

Năm 2017, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên huỷ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đăk Nông vì “chưa có căn cứ vững chắc xác định ông Hùng phạm tội”, giao VKSND cùng cấp điều tra lại theo thủ tục chung.

Một năm sau, VKSND tỉnh Đăk Nông tiếp tục truy tố ông Hùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cuối năm 2018, TAND tỉnh Đăk Nông xử sơ thẩm lần hai, tuyên ông Hùng “không phạm tội”, trả tự do ngay tại tòa sau hơn 4 năm 6 tháng bị tạm giam.

Không đồng ý với quyết định này, bị hại kháng cáo; VKSND tỉnh Đăk Nông kháng nghị.

Năm 2020, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Theo HĐXX, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và các tình tiết phát sinh “chưa đủ cơ sở xác định ông Hùng phạm tội nhưng cũng chưa đủ cơ sở kết luận ông Hùng không phạm tội”.

Sau gần 4 năm điều tra lại, hồi cuối tháng 4, Công an tỉnh Đăk Nông đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hùng vì không chứng minh được phạm tội.

Ông Hùng kể, lúc xảy ra vụ bán đất nhầm, bên mua nói sẽ thưa ra tòa. Ông nghĩ mình ngay thẳng không làm gì sai, xấu, nếu được đưa ra tòa giải quyết thì càng tốt. “Nhưng tôi không nghĩ mình lại bị xử lý bằng con đường hình sự. Bốn năm rưỡi bị giam có lúc tôi tuyệt vọng, suy sụp, nhưng sau đó đã bình tĩnh lại để tiếp tục đấu tranh”, ông Hùng chia sẻ.

Trắng tay

Để có chi phí kêu oan và lo cho các con ăn học, vợ ông phải bán hết nhà cửa. Ở lần được tuyên không phạm tội đầu tiên, niềm vui được trả tự do kéo dài không bao lâu thì ông lại tiếp tục bị truy tố và theo đuổi vụ án thêm nhiều năm nữa mới được chính thức minh oan. Tuy được trả tự do từ 6 năm trước, nhưng khi trở về ông trắng tay, công ty phá sản.

“Vốn liếng không còn, uy tín với bạn bè, đối tác cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó công an mời lên mời xuống làm sao tôi có thời gian làm ăn, đành đi làm bảo vệ phụ thêm cho vợ lo chi phí cho gia đình”, ông Hùng cho biết.

Nhiều năm qua nguồn sống chính của gia đình dựa vào tiền lương của người vợ làm kế toán. Nhưng không lâu sau khi ông được trả tự do thì bà mắc bệnh ung thư. Mỗi lần vào thuốc, bà phải nghỉ làm mấy ngày mới hồi phục sức khỏe. Con lớn của ông đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa kiếm được việc nên đang phải làm shipper, còn người con út mới bước vào năm đầu đại học.

“Vợ tôi chuẩn bị phẫu thuật, nên sắp tới tôi cũng phải nghỉ làm chăm sóc bà ấy. Giờ tôi không còn tâm trí đâu nghĩ tới việc bồi thường oan sai. Mọi việc tôi nhờ luật sư hỗ trợ”, ông Hùng nói.