Giá điện sẽ theo cơ chế thị trường

Theo Bộ Công Thương và các chuyên gia, Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra bước thay đổi mạnh mẽ liên quan quy định về pháp lý, gỡ những nút thắt phát triển của ngành điện liên quan cơ chế vốn, ưu đãi đầu tư thu hút các nguồn lực tham gia phát triển điện cũng như vận hành.

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm nhấn của Luật Điện lực (sửa đổi) là những quy định liên quan chính sách phát triển, đầu tư xây dựng ngành điện với việc thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng công trình nguồn điện. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Nhà nước nắm độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia; đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Giá điện sẽ theo cơ chế thị trường- Ảnh 1.

Nhiều nút thắt về cơ chế, triển khai các dự án điện sẽ được gỡ khi Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực. Ảnh: Nguyễn Bằng

Để phát triển nguồn điện, Nhà nước sẽ ưu tiên ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện, phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình ở những khu vực trên sẽ được ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác.

Chiều 30/11, với 439/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65%), Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Sẽ xóa bù chéo trong giá điện

Một điểm nhấn quan trọng của Luật Điện lực (sửa đổi) chính là việc giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường và tiến tới xoá bù chéo trong giá điện. Đây là những vấn đề luôn được doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm. Đây là những quy định không mới và đã có trong quy định tuy nhiên không được thực hiện đầy đủ. Theo quy định, giá điện và giá dịch vụ về điện sẽ được bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý. Theo đó, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh và giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Luật Điện lực cũng có quy định về thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra khi góp ý cho Luật Điện lực (sửa đổi). Với các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Phát triển năng lượng tái tạo

Một điểm mới quan trọng trong Luật Điện lực (sửa đổi) là việc đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt là các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác và khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp, lắp đặt các thiết bị, hệ thống thu giữ các-bon để giảm phát thải ra môi trường.

Về chính sách phát triển điện hạt nhân, Luật nêu rõ, quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện. Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điểm khiến các doanh nghiệp quan tâm trong Luật Điện lực (sửa đổi) là việc tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Cụ thể, sẽ tách bạch chức năng sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ với chức năng quản lý Nhà nước. Cùng với đó, hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ hoạt động độc lập, hình thành nhiều đơn vị phát điện, nhiều đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tạo sự cạnh tranh trong thị trường điện.

Chia sẻ với PV Tiền Phong về tác động của Luật Điện lực (sửa đổi), PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, luật lần này đã giải quyết được một số điểm nghẽn quan trọng trong phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian qua giúp ngành điện vận hành hiệu quả hơn, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo ông Long, trước mắt, Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về việc thực thi các quy định của Luật Điện lực liên quan đến các quy định về cơ chế giá điện, quy trình cấp phép cho các dự án điện, cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Bộ Công Thương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan địa phương để đồng bộ hóa chính sách và thực hiện biện pháp hỗ trợ hợp lý trong quá trình triển khai và kịp thời đánh giá việc thực thi Luật Điện lực cũng như có các điều chỉnh, sửa đổi kịp thời nếu cần thiết. Trong đó, việc đảm bảo cho giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường và xoá bỏ bù chéo trong giá điện là việc cần ưu tiên thực hiện sớm.