Các chuyên gia đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá.
Hiện, các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng giao dịch vàng thì chưa.
Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước ngày 9/6, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, đề xuất cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế tương tự với vàng.
Giải pháp này, theo bà Mùi, có thể ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó kiểm soát giá vàng. Ngoài ra, việc áp thuế đảm bảo công bằng trong kinh doanh vàng.
“Áp thuế với vàng trong nước sẽ giúp giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt với những đối tượng mua để đầu cơ, thao túng giá”, TS Mùi nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng là hai mục tiêu khác nhau, nhưng “dù thế nào thì cũng phải thu thuế”.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng nói công cụ hữu hiệu nhất để xử lý buôn lậu, đầu cơ trên thị trường là đánh thuế.
“Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế”, ông Nghĩa nhận xét.
Từ đầu năm đến nay, vàng áp đảo các kênh đầu tư khác nếu xét về mức độ sinh lời. Với vàng miếng, tỷ suất này là khoảng 22% sau 5 tháng, vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán hay trái phiếu.
Theo các chuyên gia, kim loại quý “sốt nóng” một phần do thị trường đang thiếu kênh đầu tư tích sản. Hiện, thị trường bất động sản đang gặp khó, trái phiếu vẫn trong cuộc khủng hoảng niềm tin, còn chứng khoán theo hướng đầu tư an toàn dài hạn chưa thực sự được phổ cập đến đông đảo người dân.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết thu nhập và hành vi tiêu dùng.
Về phía người dân, ông Phước khuyên nên thận trọng, mua ít, do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực kéo giá xuống, bên cạnh việc cân đối với nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
“Nếu một hôm không cầm 1 thỏi vàng, chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng không có xăng dầu, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào…”, TS Phước nói.
Để ổn định thị trường vàng, nhà chức trách đã đưa ra nhiều giải pháp như đấu thầu tăng cung, nhưng sau đó dừng phương án này do không hiệu quả. Từ 3/6 vàng bình ổn giá được bán trực tiếp qua 4 ngân hàng quốc doanh và SJC.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng, sức hấp dẫn và nhu cầu dự trữ kim loại quý trong dân lớn, nên cần nghiên cứu khai thác nguồn lực này vào sản xuất kinh doanh. Ông cho hay, cơ quan này sẽ nghiên cứu sửa Nghị định 24, với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để kim loại quý này tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, cán cân thanh toán.
Trước đó, với các biện pháp bình ổn từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng giảm liên tục 9 phiên, trước khi đi ngang vào cuối tuần trước.
Kim loại quý đã sụt hơn 13 triệu đồng mỗi lượng, riêng trong bốn ngày đầu các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán trực tiếp đến người dân, giá vàng miếng giảm một triệu đồng sau mỗi đêm. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới có thời điểm thu hẹp về còn 4 triệu đồng, so với mức 18-20 triệu trước đó.