Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trong phiên họp sáng 25/9.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
Về các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định về thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm và bệnh hiểm nghèo, cho phép bệnh nhân được trực tiếp điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên môn cao. Điều này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT.
Ngoài ra, quy định về khám, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) cũng được sửa đổi để phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng BHYT như quy định hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình tại phiên họp sáng 25/9
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Dự thảo Luật bổ sung một số đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tăng độ bao phủ BHYT toàn dân. Những đối tượng này bao gồm dân quân thường trực, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Chính phủ, cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc và đang hưởng trợ cấp hàng tháng, cũng như người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – bà Nguyễn Thúy Anh, cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị giữ nguyên tinh thần của luật hiện hành về việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, chỉ trong một số trường hợp mới tổ chức đăng ký tại các cơ sở y tế cấp cao hơn.
Về vấn đề cấp thẻ BHYT, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng từng đối tượng được bổ sung vào Dự án Luật, để quy định rõ ràng hơn về việc lập danh sách cấp thẻ BHYT; đồng thời, cần quy định cụ thể về thẻ BHYT điện tử và việc cấp thẻ này để đảm bảo tính thực tiễn.
Trong phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các vướng mắc về thanh toán và chuyển BHYT mà cử tri phản ánh. Ông đề nghị đẩy mạnh triển khai thẻ BHYT điện tử, tiến tới loại bỏ thẻ giấy. Ông cũng nêu quan điểm: “Người dân đăng ký khám chữa bệnh ở một huyện, nhưng nếu làm việc tại huyện khác vẫn có thể thanh toán BHYT dễ dàng nếu áp dụng thẻ BHYT điện tử”.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, người có thẻ BHYT cần được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc BHYT. Trường hợp không cấp được, người dân phải đi mua thuốc ở ngoài mà thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT thì bảo hiểm phải trả tiền.
Người dân nộp phiếu lãnh thuốc BHYT tại một bệnh viện ở TP. HCM. Ảnh: Duyên Phan
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với việc mở rộng phạm vi thụ hưởng BHYT, đặc biệt là trong các hoạt động đánh giá, chẩn đoán và điều trị sớm, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân; đề xuất nghiên cứu mở rộng quyền lợi BHYT cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và các hoạt động chăm sóc sức khỏe từ sớm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT là đúng đắn nhằm hướng tới BHYT toàn dân. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng, không giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia BHYT so với hiện tại.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của luật. Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp 8, vào tháng 10 tới.