Theo Cục CSGT, thời tiết nắng nóng cùng với việc đi hành trình dài không có điểm dừng nghỉ khiến nhiều lốp xe bị vỡ.
Chiều 4/4, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong bốn ngày đầu tháng 4, trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã xảy ra 12 sự cố vỡ lốp ở nhiều loại xe như ôtô khách, xe container, xe đầu kéo, xe con.
Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 (Cục CSGT) đánh giá nguyên nhân ban đầu có thể do thời tiết tại khu vực tỉnh Quảng Trị nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ mặt đường tăng, có lúc lên 63 độ C. Cùng với đó quãng đường Km 0-102 không có điểm dừng nghỉ, xe phải lưu thông liên tục nên lốp không chịu được sức nóng, áp suất lốp tăng cao dẫn tới vỡ.
Lốp xe bị vỡ khi đi trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Cục CSGT
Vào mùa nóng, nhiệt độ mặt đường tăng nhanh, lốp xe nếu chạy ở tốc độ cao, trong thời gian dài dưới thời tiết như vậy sẽ khiến nhiệt lượng qua vỏ lốp truyền vào khối khí bên trong. Lúc này, khí giãn nở, tăng áp suất, gây áp lực lên bề mặt lốp, kết hợp với việc cao su mềm hơn dưới nhiệt độ cao dẫn tới nổ hoặc bục lốp.
Tuy vậy, theo các chuyên gia kỹ thuật lốp xe, việc nổ lốp vì đường nóng chỉ xảy ra đối với những lốp có chất lượng kém (thường xuyên tải nặng hoặc tần suất lăn bánh nhiều nhưng không thay mới theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Nếu lốp xe được bảo dưỡng định kỳ tại cơ sở chính hãng hoặc garage uy tín, lốp chưa bị mòn, cắt tới điểm chỉ dấu cần thay thế, thì việc nổ lốp vì mặt đường nóng là rất khó xảy ra, trừ khi tài xế bơm lốp căng hơn rất nhiều so với khuyến cáo của nhà sản xuất.
Chiếc xe hơi gặp nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn sáng 4-4 nghi do bị nổ lốp xe vì mặt đường nóng – Ảnh: Đ.THÀNH
Theo hãng lốp Bridegstone, mặt đường tăng 10 độ C thì áp suất lốp sẽ tăng 0,1 bar (bar hay kgf/cm2, thường được tài xế gọi là “cân”). Như vậy, nếu nhiệt độ vào buổi sáng khoảng 30 độ C, buổi trưa mặt đường lên 60 độ C, thì áp suất lốp sẽ tăng 0,3 bar. Ví dụ nếu lốp xe con bơm khoảng 2,4 bar, đến trưa chạy cao tốc có thể lên mức 2,7 bar. Với lốp còn tốt, đây là mức áp suất đã cao hơn khuyến cáo, nhưng cũng rất khó để có thể bục lốp.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề ảnh hưởng lớn nhất tới nguy cơ nổ lốp không phải nhiệt độ mặt đường, mà là kỹ năng, kiến thức của tài xế. Mức nhiệt 63 độ cũng chỉ tương đương nhiệt độ ngoài trời Hà Nội trong mùa hè vài năm gần đây. Nếu đã xác định đi vào đường cao tốc, tài xế cần kiểm tra chất lượng lốp thông qua bề mặt lốp, lịch sử bảo dưỡng hoặc công nghệ cảm biến áp suất lốp khá phổ biến hiện nay. Phát hiện lốp đã mòn quá vạch chỉ dấu, bơm quá căng vượt hơn 10% so với khuyến cáo của nhà sản xuất thì cần thay lốp hoặc xì bớt hơi.
Tuyến cao tốc này còn rất mới và hiếm hoi trong khu vực, vì vậy với phần đông tài xế đây là trải nghiệm mới mẻ. Chuyên gia khuyên người lái xe nên tự trau dồi những kiến thức cần có để lái xe trên cao tốc, trước khi “ra trận”.
Đơn vị tuần tra tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn cho biết đã triển khai các phương án để đảm bảo an toàn, đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có phương án khuyến cáo các phương tiện cũng như cứu trợ khi gặp sự cố.
Tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn dài trên 100 km đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, hiện chưa có điểm dừng nghỉ. CSGT khuyến cáo các lái xe kiểm tra kỹ thuật phương tiện, đặc biệt là lốp trước khi di chuyển vào tuyến cao tốc này.