Công ty SJC làm ăn ra sao dưới thời cựu Tổng giám đốc Lê Thúy Hằng?

Dưới thời cựu Tổng giám đốc Lê Thúy Hằng, SJC nhiều năm ghi nhận doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chưa từng vượt ngưỡng 100 tỷ đồng.

Mới đây, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên – Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an – cho biết, 6 người đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại SJC và các đơn vị liên quan. Tất cả đều là cán bộ của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) (sau đây gọi tắt là Công ty SJC).

Trong đó, bà Lê Thúy Hằng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), bị bắt với cáo buộc “lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách để chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, bà Lê Thúy Hằng được UBND TPHCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty SJC từ tháng 12/2019. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Cựu tổng giám đốc SJC sinh năm 1970, quê Hải Phòng. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty SJC, bà giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách; Phó tổng giám đốc Công ty SJC.

Doanh thu công ty cả chục nghìn tỷ đồng nhưng lãi “siêu mỏng”

Kể từ khi bà Hằng nhậm chức, doanh thu của Công ty SJC luôn ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng. Doanh thu cao nhất đạt được vào năm 2023 với hơn 28.400 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận của SJC chưa từng vượt ngưỡng trăm tỷ đồng dù doanh thu báo cáo là hàng nghìn tỷ đồng.

Tính riêng năm 2023, dù ghi nhận doanh thu “khủng” nhưng giá vốn hàng bán hàng của công ty đã chiếm tỷ lệ 99% doanh thu, ghi nhận tại mức 28.166 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ có hơn 241,6 tỷ đồng (thấp hơn 8 tỷ đồng so với năm 2022), tương đương biên lãi gộp 0,85%.

Khoảng cách chênh lệch lớn giữa lợi nhuận và doanh thu diễn ra ở Công ty SJC trong nhiều năm qua. Giá vốn cao là nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn so với doanh thu, thường khoảng 98-99%.

Năm 2023, chi phí bán hàng của doanh nghiệp ghi nhận 52 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên 115 tỷ đồng do thêm khoản chi cho nhân viên.

Riêng khoản chi phí tài chính ghi nhận mức âm, nhờ được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư hơn gần 9 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, công ty báo lãi trước thuế năm 2023 đạt 88 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022 – mức lợi nhuận cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 61 tỷ đồng, tăng 24%. So với kế hoạch đề ra, công ty này thực hiện hơn 93% chỉ tiêu doanh thu, vượt 7,4% về lợi nhuận.

Cũng trong báo cáo tài chính kiểm toán 2023, tổng giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2023 là 1.446 tỷ đồng, tăng 248 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong hơn 1.400 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho chỉ có chưa đến 7 tỷ đồng là tồn kho nguyên liệu.

Công ty SJC làm ăn ra sao dưới thời cựu Tổng giám đốc Lê Thúy Hằng? - 1
Bà Lê Thúy Hằng, cựu Tổng giám đốc SJC (Ảnh: Thành Nhân).

Còn phần lớn, khoảng 86%, tương ứng 1.251 tỷ đồng, là tồn kho dưới dạng hàng hóa. Giá trị hàng tồn kho thành phẩm ở mức 135 tỷ đồng. SJC đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 84 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dự phòng giảm giá hàng tồn kho thành phẩm là hơn 66 tỷ đồng.

Kiểm toán cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc Công ty SJC trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số liệu cho thấy công ty đã trích lập gần 84 tỷ đồng dự phòng cho hàng tồn kho, nhưng kiểm toán không thể xác nhận tính chính xác của khoản này.

Trước đó, trong cuộc họp báo kinh tế – xã hội TPHCM vào giữa tháng 5 vừa qua, cựu Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng cho biết công ty không hưởng lợi ích khi được chọn là đơn vị độc quyền vàng miếng, thương hiệu quốc gia.

Bà Hằng dẫn chứng trước năm 2012, vốn sở hữu của Công ty SJC là 400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi của công ty sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.

Lợi nhuận sụt giảm do công ty không được sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên kiện. Công ty chuyển hướng kinh doanh vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, Công ty SJC gặp không ít khó khăn do cạnh tranh với các đơn vị đi trước.

Năm 2024, Công ty SJC đặt mục tiêu sản xuất 31.692 lượng vàng miếng, gần 445.000 món nữ trang. Kế hoạch tổng doanh thu dự kiến là 30.145 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 70 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 15% so với thực hiện năm trước. Nếu kế hoạch này đạt được, công ty sẽ có năm doanh thu kỷ lục còn lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.