Con mới thi xong, bố mẹ đã tổ chức tiệc mừng: Ngày công bố điểm chuẩn đại học, họ hàng đòi lại tiền mừng

Sự việc ăn mừng quá sớm đã khiến mọi người tham gia bữa tiệc khó xử.

Tiểu Từ là một thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 ở Trung Quốc. Thành tích học tập của cậu luôn ổn định, cơ bản nằm trong top đầu của lớp.

Khi kết thúc môn thi cuối cùng, nam sinh bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt rạng rỡ vì tự tin với bài làm của mình. Về đến nhà, cậu và bố mẹ cùng kiểm tra đáp án.

Tiệc mừng đỗ đại học sớm

Cậu bé tự tin mình có thể đạt khoảng 650 điểm. Nếu thật sự đạt được số điểm như vậy, cậu có thể tự do lựa chọn các trường đại học danh tiếng, thậm chí là Thanh Hoa, Bắc Đại. Bố mẹ Tiểu Từ nghe vậy vô cùng vui mừng, họ đăng lên mạng xã hội khoe với mọi người và quyết định tổ chức tiệc mừng sớm cho con trai.

khi điểm thi vẫn chưa được công bố chính thức, gia đình Tiểu Từ đã rầm rộ tổ chức tiệc mừng. Bạn bè, người thân được mời đến dự đều gửi lời chúc mừng đến gia đình. Nhân dịp này, bố mẹ Tiểu Từ đã nhận được rất nhiều tiền mừng từ khách mời.

Vào ngày công bố kết quả thi, Tiểu Từ hồi hộp ngồi trước máy tính tra cứu điểm, nhưng kết quả lại như “gáo nước lạnh” dội vào người cậu. Điểm thi của cậu chỉ được 550 điểm, thấp hơn 100 điểm so với điểm dự đoán.

Bố mẹ Tiểu Từ sau khi nhìn thấy điểm số của con trai cũng cảm thấy rất xấu hổ. Tuy nhiên, “tiền đã vào túi” thì sao có thể trả lại dễ dàng như vậy? Vì thế, họ quyết định giấu nhẹm điểm số thật sự của con trai.

Điểm thật bại lộ, người thân đến đòi lại tiền mừng

“Giấy không gói được lửa”, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là sự kiện được cả học sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm. Dù bố mẹ Tiểu Từ sau khi biết điểm thật sự của con trai đã chọn cách giấu kín bạn bè, người thân, nhưng không có nghĩa là người khác sẽ không bàn tán về điểm số của cậu.

Vì vậy, chỉ hai ba ngày sau khi điểm chuẩn được công bố chính thức, họ hàng đã phát hiện Tiểu Từ không đạt kết quả cao như đã nói. Một số người thậm chí còn đến đòi lại tiền.

Trong mắt mọi người, hành động của bố mẹ Tiểu Từ chẳng khác nào lừa đảo. Cho dù Tiểu Từ chỉ đạt 600 điểm thì cũng không đến mức phải tổ chức tiệc linh đình như vậy. Ban đầu, mục đích mọi người đến mừng tiền là để chúc mừng Tiểu Từ đạt được kết quả tốt, có thể vào một trường đại học tốt. Nhưng hiện tại, với số điểm 550 thì rõ ràng không như kỳ vọng.

Với số điểm này, không những không thể vào được các trường top.

Cuối cùng, bố mẹ Tiểu Từ cũng không thể nào giữ lại số tiền mừng đó được nữa. Dưới áp lực của bạn bè, người thân, họ phải gửi lại tiền cho mọi người.

Tạm kết

Qua câu chuyện về bữa tiệc mừng thi đỗ đại học của Tiểu Từ, có thể thấy “tiệc mừng” ở một số nơi đã dần biến tướng. Việc chúc mừng kết quả thi chỉ là phụ, mục đích chính của việc tổ chức tiệc mừng là để thu tiền….

Trước đây, khi học sinh đạt được thành tích tốt, người mà các bậc phụ huynh muốn cảm ơn đầu tiên chính là thầy cô. Việc làm này xuất phát từ sự tự nguyện, không hề vụ lợi. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, cùng với sự thay đổi trong tư tưởng và lối sống, bữa tiệc tri ân thầy cô giản dị ngày nào đã dần trở thành bữa tiệc mừng thi đỗ đại học.

Thực chất, việc tổ chức tiệc mừng thi đỗ đại học không có gì là sai trái, bởi “mười mấy năm đèn sách chỉ chờ ngày hái quả”. Để chúc mừng niềm vui này, việc mời người thân, bạn bè đến chung vui cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, rõ ràng, tiệc mừng thi đỗ đại học ngày nay giống như một cách để thỏa mãn lòng hư vinh của các bậc phụ huynh hơn. Chưa kể, nhân vật chính của bữa tiệc đáng lẽ phải là con cái, nhưng lại trở thành “đối tượng” để cha mẹ khoe khoang, thậm chí là cái cớ để cha mẹ “đối nhân xử thế”.

Trong xã hội hiện đại, tuy mọi mặt của cuộc sống đều không thể tách rời khỏi yếu tố vật chất và danh vọng, nhưng không phải cái gì cũng có thể dùng tiền bạc và danh lợi để đánh đổi. Cũng như tiệc mừng thi đỗ đại học, nó không nên là nơi để cha mẹ khoe khoang, càng không nên là lý do để “móc túi” người khác.

Ngược lại, tiệc mừng thi đỗ đại học nên là một bữa tiệc trong sáng, là cách để động viên con cái tiếp tục cố gắng, là cách thể hiện lòng biết ơn đối với công lao dạy dỗ của thầy cô.