Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sáng nay, trong đó có nội dung quy định về điểm giấy phép lái xe.
Quy định mới về việc trừ điểm trên giấy phép lái xe
Sáng 27/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 388 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%). Như vậy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ hính thức có hiệu lực.
Trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được thông qua, đáng chú ý có nội dung mới, lần đầu được áp dụng về việc quy định 12 điểm/năm với mỗi giấy phép lái xe (GPLX).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Hệ thống 12 điểm của GPLX được áp dụng như một công cụ để theo dõi sự tuân thủ luật lệ giao thông đường bộ của các tài xế, qua đó cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý trật tự, an toàn giao thông.
Tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của lỗi vi phạm, số điểm bị trừ sẽ khác nhau. Thông tin về số điểm bị trừ sẽ được ghi nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và thông báo đến người lái xe liên quan ngay khi có quyết định xử phạt có hiệu lực.
Nếu GPLX còn điểm và trong vòng 12 tháng không có điểm nào bị trừ, tài xế sẽ được phục hồi lại đủ 12 điểm vào năm sau.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Trái lại, nếu mất hết điểm trong một năm, người lái xe sẽ không được phép điều khiển xe theo loại giấy phép đã đăng ký. Sau khi toàn bộ điểm bị trừ và sau thời gian 6 tháng, người lái xe có thể tham gia khóa kiểm tra kiến thức luật giao thông đường bộ do cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật, nếu đạt kết quả đỗ sẽ được phục hồi lại đầy đủ điểm.
Khi thực hiện thủ tục đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ GPLX của người vi phạm.
Tầm quan trọng của việc cấp điểm cho giấy phép lái xe
Về quy định trên của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an lý giải: “Việc đưa ra quy định này trong dự thảo là kết quả của quá trình nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông…”
Bộ Công an nhận định, hiện tượng vi phạm luật lệ giao thông đường bộ đang diễn ra phổ biến, và ý thức tuân thủ luật của người lái xe còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có hơn 3 triệu trường hợp vi phạm được lực lượng canh sát giao thông xử lý.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công thương
Mức độ tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng số lượng vẫn ở mức đáng báo động. Các vụ tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng thường xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý người lái xe sau khi đã qua sát hạch và được cấp giấy phép lái xe (GPLX) hiện đang có phần lỏng lẻo. Các cơ quan chức năng chưa áp dụng được những biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt là trong việc kiểm soát việc tuân thủ luật lệ của người lái, do đó việc áp dụng hệ thống cấp điểm cho GPLX trở nên cần thiết.
Bộ Công an khẳng định rằng việc trừ điểm GPLX không phải là biện pháp xử phạt hành chính, mà là một biện pháp quản lý của nhà nước. Nó nhằm thúc đẩy mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và tăng cường hiệu quả quản lý người lái xe từ giai đoạn đầu tiên là đào tạo, cấp phép đến giai đoạn tuân thủ luật và quản lý việc vi phạm cũng như tái phạm.
Biện pháp này nhằm tác động tích cực đến hành vi lái xe, cải thiện ý thức của người tham gia giao thông và giúp nhà quản lý có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình tuân thủ pháp luật sau khi vi phạm của người lái xe.
Đối với việc quy định cụ thể số điểm bị trừ cho mỗi lỗi vi phạm, Bộ Công an cho biết sẽ xem xét đến mức độ nghiêm trọng và khả năng gây nguy hiểm cho an toàn giao thông của từng hành vi cụ thể. Việc trừ điểm này sẽ được nghiên cứu để ban hành quy định sao cho công bằng và không chồng chéo với các hình thức xử lý khác.