Miền tây công bố khẩn cấp

Tỉnh cực Nam tổ quốc công bố tình huống khẩn cấp hạn hán trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Đây là địa phương thứ hai ở miền Tây, sau tỉnh Tiền Giang, công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, khi hạn hán đã khiến hơn 2.600 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; sụt lún, sạt lở đất xảy ra liên tiếp trong những tháng qua.

Ngành chức năng nhận định, mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hai địa phương này còn tiếp diễn; các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường giao thông tiếp tục xảy ra.

Từ đầu mùa khô đến nay, huyện Trần Văn Thời đã xảy ra hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 16 km, ước thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Dòng kênh cạn nước tại huyện Trần Văn Thời trong đợt hạn mặn năm nay. Ảnh: Thanh Tùng

Theo Nghị định 66/2021 của Chính phủ, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị huyện Trần Văn Thời, U Minh triển khai các giải pháp về cấp và trữ nước cho người dân ở khu vực thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ dụng cụ chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước từ nơi khác đến vùng không có nước để người dân sử dụng; tuyệt đối không để người dân không có nước sử dụng trong sinh hoạt.

Các sở ngành liên quan và địa phương được yêu cầu rà soát những tuyến giao thông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún để cảnh báo và có giải pháp giảm tối đa thiệt hại.

Nhiều tuyến đường ở huyện Trần Văn Thời bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: An Minh

Nhiều tuyến đường ở huyện Trần Văn Thời bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: An Minh

Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo hạn hán còn kéo dài hết tháng 4, đến đầu tháng 5 mới xuất hiện mưa giông chuyển mùa. Đợt xâm nhập mặn này ở miền Tây cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2016 và 2020. Trong đó, năm 2016 ảnh hưởng nặng nhất trong 100 năm, khi 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng, 10/13 tỉnh, thành miền Tây phải công bố thiên tai.